Tổng thống Barack Obama đã giành được thắng lợi lớn về chính sách ngoại giao với việc thượng viện Mỹ ngày 23/12 (giờ VN) phê chuẩn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới giữa Mỹ và Nga.
Với 71 phiếu thuận (56 phiếu của đảng Dân chủ, 13 phiếu của đảng Cộng hòa, 2 phiếu độc lập) và 26 phiếu chống, các thượng nghị sỹ Mỹ đã bỏ phiếu thông qua hiệp ước trên.
Ngay lập tức, Tổng thống Obama đã tán dương mạnh mẽ quyết định của các nghị sĩ ở cả hai viện vì đã bỏ phiếu cho một hiệp ước, theo ông miêu tả, là gói cắt giảm vũ khí có ý nghĩa nhất trong hai thập kỷ gần đây. Phát biểu trước các phóng viên trong cuộc họp báo tại Nhà trắng, Tổng thống Obama nói: "Hiệp ước này sẽ làm tăng quyền hạn cho lãnh đạo hai nước để ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và đi đến một thế giới hòa bình không có vũ khí hạt nhân".
Ngay sau khi Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua START mới, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã ca ngợi và đánh giá cao quyết định này. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon gọi đây là "một thông điệp chắc chắn và rõ ràng cho nỗ lực giảm trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân". Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bày tỏ vui mừng về việc các nghị sĩ Mỹ thông qua START mới, đồng thời hy vọng các nhà lập pháp Nga cũng sẽ thông qua hiệp ước này.
Hạ viện Nga có thể phê chuẩn trong hôm nay
Đúng như mong đợi của Tổng thống Medvedev, Chủ tịch Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Boris Gryzlov trưa 23/12 tuyên bố Hạ viện Nga có thể thông qua START mới vào hôm nay (24/12). Ông Gryzlov đánh giá việc Thượng viện Mỹ thông qua START mới là sự kiện quan trọng, đáp ứng lợi ích an ninh của hai nước và góp phần củng cố an ninh quốc tế. Tuy nhiên, Đuma Quốc gia Nga sẽ có quyết định cuối cùng trên cơ sở xem xét văn bản của START mới mà Thượng viện Mỹ đã thông qua. Ông Gryzlov cho biết theo nhiều nguồn tin, Thượng viện Mỹ đã thông qua văn kiện này với một loạt điều kiện đi kèm và nếu những điều kiện đó không ảnh hưởng đến văn bản và nội dung chính của START mới thì Đuma Quốc gia Nga chắc chắn sẽ thông qua nó.
START mới, được Tổng thống Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev ký tại thủ đô Praha của CH Séc hồi tháng 4 năm nay, quy định giảm số đầu đạn hạt nhân tối đa của mỗi nước xuống còn 1.550 trong vòng 7 năm tới, tức giảm khoảng 30% so với mức giới hạn năm 2002. Hiệp ước này chính thức có hiệu lực khi được quốc hội hai nước phê chuẩn.
Đình Lanh (P/v TTXVN tại LB Nga) - Lê Hải