Nghiên cứu này được thực hiện hồi tháng 5/2020 đối với 3.037 nam thanh niên lao động nhập cư trẻ tuổi, khỏe mạnh có độ tuổi trung bình là 33. Kết quả cho thấy việc dùng thuốc xịt họng povidone-iodine ba lần/ngày hoặc thuốc uống hydroxychloroquine một lần/ngày, làm giảm hơn 20% nguy cơ nhiễm bệnh. Những người này được chia thành 5 nhóm, mỗi nhóm được cung cấp một trong những thuốc sau đây trong 6 tuần: vitamin C, kẽm và vitamin C, thuốc xịt họng povidone-iodine, hydroxychloroquine hoặc ivermectin. Sau 6 tuần, các mẫu máu được thu thập và phân tích phản ứng kháng thể của chúng với virus SARS-CoV-2.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng 70% số người trong nhóm được cấp vitamin C đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong khi 46% những người trong nhóm xịt họng povidone-iodine và 49% những người trong nhóm hydroxychloroquine bị nhiễm virus. Không có trường hợp nào tử vong hoặc phải nhập viện do COVID-19. Tỷ lệ tuân thủ thuốc ở những người này là 80%.
Giáo sư Seet thuộc nhóm nghiên cứu cho biết hydroxychloroquine đường uống hoặc povidone-iodine xịt họng là những loại thuốc sẵn có và đã được nghiên cứu về tính an toàn. Việc kết hợp phương pháp này là một chiến lược phòng ngừa khả thi cho những người sống trong môi trường khép kín và nguy cơ phơi nhiễm cao, đặc biệt là ở các khu vực và quốc gia nơi tiêm phòng COVID-19 không có hoặc chưa được triển khai đại trà. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội là những biện pháp duy nhất có thể giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng khuyến cáo tác dụng phụ thường gặp của thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine bao gồm nhức đầu, chóng mặt, tiêu chảy, co thắt dạ dày và nôn mửa. Các triệu chứng này có thể giảm bớt khi dùng cùng với thức ăn. Ngoài ra, thuốc xịt họng povidone-iodine có thể gây kích ứng tại chỗ cho niêm mạc cũng như phản ứng dị ứng, đặc biệt đối với những người bị dị ứng với iốt.