Thuế quan của Mỹ: Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ   

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 14/4, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) thông báo tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách làm chậm đà tăng giá của đồng đô la Singapore (SGD) theo tỷ giá thương mại.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh lạm phát giảm và rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế gia tăng, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thêm thuế quan, gây biến động cho thương mại toàn cầu. 

Chú thích ảnh
Tiền đô la Singapore. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

MAS dự báo lạm phát cơ bản – không bao gồm chi phí đi lại và chỗ ở cá nhân – sẽ đạt mức trung bình từ 0,5% đến 1,5% trong năm 2025. Đây là mức điều chỉnh giảm so với dự báo trước đó (1% - 2%) được đưa ra vào tháng 1/2025. Con số này phản ánh kỳ vọng rằng chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình sẽ tăng chậm hơn so với dự báo ban đầu.

Cùng thời điểm, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cũng đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2025 xuống còn 0% - 2%, từ mức 1% - 3% trước đó. Trước đó, GDP Singapore đã tăng trưởng 4,4% trong năm 2024.

MAS cảnh báo rằng là một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Singapore đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự giảm tốc của thương mại khu vực và toàn cầu. Thêm vào đó, những bất ổn gia tăng trong chính sách thương mại – đặc biệt là chính sách thuế quan không ổn định từ phía Mỹ – có thể gây áp lực đáng kể lên các ngành xuất khẩu, và từ đó lan rộng đến cả khu vực kinh tế trong nước.

Các nhà phân tích cho rằng chính sách thuế của ông Trump có thể gây tổn hại đến nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu của Singapore nghiêm trọng hơn nhiều so với mức thuế 10% mà Mỹ áp dụng cho hàng hóa Singapore. Dù thấp hơn mức thuế 145% mà Trung Quốc phải đối mặt, mức thuế này vẫn đủ để ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng của quốc đảo. Thủ tướng Lawrence Wong đã lên tiếng cảnh báo rằng, nếu tình hình tiếp tục xấu đi, nền kinh tế Singapore có thể đối mặt nguy cơ rơi vào suy thoái.

MAS nhấn mạnh rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ – điều chỉnh tỷ giá hối đoái danh nghĩa hiệu quả (S$NEER) của đồng SGD – là một biện pháp được tính toán kỹ lưỡng. Khác với phần lớn các ngân hàng trung ương khác trên thế giới sử dụng lãi suất để kiểm soát lạm phát, MAS sử dụng tỷ giá đồng đô la Singapore làm công cụ chính sách chính.

Việc giảm tốc độ tăng giá của đồng SGD nhằm kiềm chế sức mạnh của đồng tiền này, từ đó hỗ trợ xuất khẩu và giảm tác động tiêu cực của thuế quan mới đối với nền kinh tế. Đây là lần thứ hai trong năm MAS thực hiện điều chỉnh theo hướng nới lỏng, nhằm phản ứng với những lo ngại ngày càng tăng về tăng trưởng.

Trên thị trường ngoại hối, đồng SGD đã tăng 1% so với đồng USD vào ngày 11/4, nâng tổng mức tăng trong năm lên 3,1% so với đồng bạc xanh. Tuy nhiên, đồng tiền này lại giảm giá so với nhiều đồng tiền lớn khác: giảm 5,6% so với đồng yên Nhật và 5,5% so với đồng euro kể từ đầu năm. Trong khi đó, SGD tăng nhẹ 1,1% so với bảng Anh và tăng 2% so với đồng ringgit Malaysia.

Mặc dù đồng SGD yếu hơn có thể giúp thúc đẩy xuất khẩu, nó cũng mang lại một số tác động tiêu cực. Người dân Singapore có kế hoạch du lịch nước ngoài hoặc chu cấp học phí, sinh hoạt cho con cái đang học ở nước ngoài sẽ phải chi trả nhiều hơn do đồng tiền trong nước mất giá so với các đồng tiền khác.

MAS khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế trong và ngoài nước để đưa ra các điều chỉnh chính sách kịp thời và phù hợp nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng bền vững.

Tất Đạt (TTXVN)
Trung Quốc thúc giục Tổng thống Trump 'sửa chữa sai lầm' về thuế quan
Trung Quốc thúc giục Tổng thống Trump 'sửa chữa sai lầm' về thuế quan

Theo CNBC News, ngày 13/4, Bộ Thương mại Trung Quốc gọi việc Mỹ miễn trừ thuế quan cho một số mặt hàng là một “bước đi nhỏ” và kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn toàn bãi bỏ thuế quan đối ứng, bao gồm mức thuế lên đến 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN