Trả lời phỏng vấn báo Welt am Sonntag ngày 16/9, Thủ tướng Scholz cho rằng mặc dù nền kinh tế Đức đang suy yếu nhưng không đáng bị gọi là “ốm yếu”.
Tháng trước, tờ The Economist đã đăng một bài báo mang tựa đề “Có phải Đức một lần nữa là quốc gia ốm yếu của châu Âu?”. Bài báo đặc biệt chỉ trích nền kinh tế đầu tàu của châu Âu vì tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, tính tự mãn và quan liêu. Tờ báo tài chính của Anh đã kêu gọi Berlin cải cách khẩn cấp cũng như chi thêm ngân sách để tăng cường đầu tư vào phát triển kinh doanh và cơ sở hạ tầng.
Cái tên “quốc gia ốm yếu” bắt nguồn từ thế kỷ 19, được dùng để mô tả Đế chế Ottoman - là đất nước gặp phải tình trạng trì trệ về kinh tế và công nghệ nặng nề nhất của lục địa này. Đế chế Ottoman sụp đổ sau thất bại trong Thế chiến thứ nhất.
Tuy nhiên, Thủ tướng Olaf Scholz đã phản đối những lời chỉ trích của The Economist. Theo chính trị gia này, người Đức đã chán ghét cảnh phải gánh những khoản nợ vô tận.
“Về cơ bản, bài báo khuyến nghị Đức nên gánh thêm khoản nợ từ 100 đến 200 tỷ euro mỗi năm. Nhưng tôi nói: Không! Nợ nần chồng chất không giải quyết được vấn đề của chúng tôi mà còn tạo ra những vấn đề mới”, ông nhấn mạnh.
Mặc dù bác bỏ quan điểm cho rằng Đức đang gặp khủng hoảng, ông Scholz thừa nhận nước này đang có tốc độ tăng trưởng yếu. Ông giải thích tình trạng này có liên quan đến sự suy yếu của các thị trường xuất khẩu của Đức, đặc biệt là Trung Quốc. Ngoài ra, các yếu tố quan trọng khác khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu sa sút là vì bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát kỷ lục và giá năng lượng tăng cao do xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, Nga nhiều lần tuyên bố rằng những vết thương kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) là hậu quả “gậy ông đập lưng ông”. Cụ thể là do các lệnh trừng phạt của khối này áp đặt lên Nga vì phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Dù vậy, Thủ tướng Đức báo hiệu rằng Berlin đang nỗ lực hết sức để phục hồi nền kinh tế quốc gia bằng cách đặt cược nhiều vào các nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời nhấn mạnh rằng các nhà chức trách sẽ điều chỉnh chính sách để chống khủng khoảng.
Tháng trước, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức báo cáo rằng nền kinh tế nước này gặp trì trệ trong quý 2 năm 2023 sau khi giảm 0,1% trong quý đầu tiên. Theo Statista, dự báo nền kinh tế Đức sẽ giảm 0,11% vào năm 2023 sau khi tăng 1,78% vào năm 2022.