Zahra el-Gerbi không mong đợi nhiều phản hồi từ hoạt động gây quỹ trực tuyến của mình, nhưng cô cảm thấy mình phải làm gì đó sau khi 4 người thân tử vong trong trận lũ lụt tàn khốc càn quét thành phố Derna phía Đông Libya vừa qua. Cô lên mạng kêu gọi quyên góp cho những người mất mát nhà cửa và phải di dời do trận lụt.
Trong nửa giờ đầu tiên sau khi chia sẻ lời kêu gọi trên Facebook, Zahra el-Gerbi - một chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại Benghazi - cho biết bạn bè và cả những người lạ mặt đều liên hệ với cô để hỗ trợ tài chính và vật chất. “Họ muốn đóng góp những vật dụng cơ bản như quần áo, thực phẩm và chỗ ở,” el-Gerbi nói.
Đối với nhiều người Libya, nỗi đau chung trước hơn 11.000 người chết trong trận lũ lụt đã biến thành tiếng kêu gọi đoàn kết dân tộc ở một đất nước rơi vào cảnh 12 năm xung đột và chia rẽ. Thảm kịch càng làm tăng áp lực lên các nhà chính trị đứng đầu của đất nước.
Quốc gia giàu dầu mỏ này đã bị chia cắt giữa các chính quyền đối địch kể từ năm 2014, với một chính phủ được quốc tế công nhận ở Tripoli và một chính quyền đối đầu ở phía Đông, nơi có thành phố Derna – khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận lụt. Cả hai phe chính quyền đều được những người bảo trợ quốc tế và lực lượng dân quân vũ trang có ảnh hưởng bảo trợ. Nhiều sáng kiến do Liên hợp quốc (LHQ) dẫn đầu nhằm thu hẹp khoảng cách đã thất bại.
Vào rạng sáng ngày 11/9, hai con đập ở Derna bị vỡ, tạo ra một dòng chảy khốc liệt cao ngang với toà nhà 2 tầng tràn vào thành phố và cuốn trôi toàn bộ khu dân cư. Ít nhất 11.300 người tử vong và hơn 30.000 người phải di dời.
Tiếp đến, một làn sóng ủng hộ dành cho người dân sống tại Derna được hình thành. Người dân từ các thành phố lân cận Benghazi và Tobruk đề nghị tiếp nhận những người phải sơ tán. Tại Tripoli, cách đó khoảng 1.450 km về phía Tây, một bệnh viện cho biết họ sẽ thực hiện các ca phẫu thuật miễn phí cho bất kỳ người nào bị thương trong trận lũ lụt.
Ali Khalifa, một công nhân giàn khoan dầu sống tại Zawiya, phía Tây Tripoli, cho biết anh họ của anh và một nhóm người đàn ông khác ở khu vực lân cận đã tham gia một đoàn xe hướng tới Derna để giúp đỡ cứu trợ. Ông cho biết ngay cả đội cảnh sát địa phương cũng tham gia.
Ông Mohamed al-Harari, 50 tuổi, chia sẻ: “Vết thương và nỗi đau xảy ra ở Derna khiến tất cả người dân từ miền Tây Libya đến miền Nam và miền Đông Libya đều đau lòng”.
Thảm họa đã tạo ra những cơ hội hiếm hoi về việc hai chính quyền đối lập hợp tác để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng. Gần đây nhất là vào năm 2020, hai bên đã xảy ra một cuộc chiến tổng lực. Lực lượng của Tướng Khalifa Hifter đã bao vây Tripoli trong một chiến dịch quân sự thất bại kéo dài một năm nhằm cố gắng chiếm thủ đô, khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Claudia Gazzini, nhà phân tích cấp cao về Libya làm việc cho tổ chức tham vấn khủng hoảng International Crisis Group, cho biết: “Chúng tôi thậm chí còn thấy một số chỉ huy quân sự từ liên minh quân sự đồng minh Tripoli đến Derna để thể hiện thiện chí ủng hộ”. Tuy nhiên, quá trình phân phối viện trợ vào thành phố vẫn thiếu tổ chức và không thể đến được những người đang cần sau thảm họa.
Trên khắp đất nước, thảm họa cũng đã bộc lộ những khuyết điểm trong hệ thống chính trị rạn nứt của Libya. Ibrahim al-Sunwisi, một nhà báo đến từ thủ đô Tripoli, cho biết trong khi những người trẻ tuổi và tình nguyện viên vội vã giúp đỡ thì hai chính phủ phía Đông và phía Tây vẫn không biết phải làm gì”.
Những người khác đổ lỗi cho các quan chức chính phủ về vụ vỡ đập. Một báo cáo của cơ quan kiểm toán nhà nước vào năm 2021 cho biết hai con đập đã không được bảo trì mặc dù đã phân bổ hơn 2 triệu USD cho mục đích đó vào năm 2012 và 2013. Khi cơn bão đến gần, chính quyền đã thông báo cho người dân ở trong nhà.
Noura el-Gerbi, một nhà báo kiêm nhà hoạt động sinh ra ở Derna, ngậm ngùi: “Tất cả đều phải chịu trách nhiệm. Nếu không nạn nhân trong trận lụt tiếp theo sẽ là họ”.
Dưới sức ép từ người dân, Tổng công tố Libya al-Sediq al-Sour ngày 15/9 cho biết các công tố viên sẽlập hồ sơ vụ sập hai con đập và điều tra chính quyền ở Derna, cũng như các chính phủ trước đây.
Về phần mình, các nhà lãnh đạo của Libya cho đến nay vẫn chối bỏ trách nhiệm. Thủ tướng Chính phủ Tripoli của Libya, Abdul-Hamid Dbeibah, cho biết ông và các bộ trưởng chịu trách nhiệm về việc bảo trì các con đập, nhưng không nhận trách nhiệm về hàng nghìn cái chết do lũ lụt gây ra.
Trong khi đó, người phát ngôn của chính quyền miền Đông Libya, Aguila Saleh, cho biết lũ lụt đơn giản là một thảm họa thiên nhiên không ai lường trước được và đừng nói “giá như phải làm điều gì cả”.