Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra tuyên bố trên trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Asahi của Nhật Bản ngày 1/1. Khi được hỏi về cách thức giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo hiện do Nga kiểm soát và gọi là quần đảo Nam Kuril trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, Thủ tướng Abe nêu rõ tất cả cư dân sinh sống ở vùng lãnh thổ trên là người Nga, và lập trường của Tokyo trong các cuộc đàm phán với Moskva không phải là đuổi họ ra khỏi đó. Nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định người Nga và người Nhật Bản có thể cùng sống và làm việc tại khu vực này.
Ngoài ra, Thủ tướng Abe nhấn mạnh việc quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản là nhằm đảm bảo an ninh tại nước này và vùng Viễn Đông, không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với Nga. Nhà lãnh đạo Nhật Bản đưa ra tuyên bố trên sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo hồi tháng 12/2018 cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Okinawa là yếu tố mà Nga sẽ tính tới trong các cuộc đàm phán với Nhật Bản về một hiệp ước hòa bình.
Trong hàng chục năm qua, Nga và Nhật Bản đã tìm cách tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Trở ngại chính trong vấn đề này là tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo nói trên. Quần đảo này gồm 4 hòn đảo mà Nga lần lượt gọi là Iturup, Kunashir, Khabomai và Shicotan, còn Nhật Bản gọi là Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan.
Tranh chấp lãnh thổ này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao và thương mại song phương. Gần đây, hai nước đều thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung tại quần đảo trên.
Hồi tháng 11/2018, Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin đã nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán trên cơ sở một tuyên bố chung năm 1956, theo đó Moskva đồng ý trao trả 2 đảo nhỏ hơn trong nhóm đảo trên cho Tokyo sau khi một hiệp ước hòa bình được ký kết. Theo dự kiến, Thủ tướng Abe sẽ thăm Nga trong tháng này và có cuộc gặp với Tổng thống Vladimia Putin.