Thủ tướng Israel kêu gọi người dân tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, phát biểu tại cuộc họp nội các ngày 19/12, Thủ tướng Israel Naftali Bennett kêu gọi người dân nước này tiếp tục tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19, đồng thời đưa con cái đi tiêm.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế Israel tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 của Pfizer cho người dân tại Jerusalem ngày 20/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Bennett cho biết liên quan đến biến thể mới Omicron, chính phủ Israel đã phản ứng nhanh nhạy cách đây ba tuần bằng việc đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, do biến thể mới có độ lây nhiễm mạnh nên các biện pháp của chính quyền là chưa đủ. Ông nói: “Mỗi người dân cần tự lo cho bản thân, gia đình và con cái… Làn sóng dịch bệnh mới đã xuất hiện. Mỗi gia đình cần có sự chuẩn bị”.

Người đứng đầu chính phủ Israel cũng khẳng định vaccine phòng COVID-19 là an toàn. Đã có 7 triệu trẻ em ở Mỹ được tiêm phòng và người dân Israel có thể đưa con đi tiêm bất cứ lúc nào mà không cần hẹn trước.

Ở các địa phương của Israel, một số nơi có tỷ lệ tiêm phòng cho trẻ em đã đạt khoảng 30%, nhưng cũng có một số nơi khác tỷ lệ này chỉ đạt 3%.

Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, ngày 18/12 nước này có thêm 372 ca nhiễm mới COVID-19. Về tiêm vaccine bổ sung, đã có 4,15 triệu người dân được tiêm mũi thứ 3.    

Cũng trong ngày 19/12, Bộ Y tế Israel đã kiến nghị chính phủ đưa thêm một số quốc gia vào diện “cảnh báo Đỏ”, bao gồm Italy, Mỹ, Bỉ, Đức, Hungary, Maroc, Bồ Đào Nha, Canada, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu kiến nghị của Bộ Y tế được chính phủ và quốc hội thông qua, từ ngày 22/12 người từ các nước nói trên sẽ bị cấm nhập cảnh Israel, trừ trường hợp đặc biệt.

*Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 19/12, Chính phủ Nicaragua cho biết nước này vừa giải ngân 15,8 triệu USD để mua vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca. Đây là lần đầu tiên quốc gia Trung Mỹ này mua một loại vaccine COVID-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.

Ngày 18/12, Nicaragua đã nhận trước 50% số lượng vaccine đặt hàng, tương đương 1,25 triệu liều AstraZeneca.

Mặc dù Nicaragua đã sử dụng các loại vaccine được WHO phê duyệt của AstraZeneca, Pfizer và Covishield, tuy nhiên phần lớn là được phân phối thông qua cơ chế COVAX, phần còn lại là vay từ Honduras.

Từ năm 2020 Nicaragua đã tuyên bố dành quỹ 100 triệu USD để mua vaccine ngừa COVID-19, tuy nhiên những nguồn lực này được dùng để mua các loại vaccine chưa được WHO phê duyệt như Sputnik V và Sputnik Light của Nga, hay Abdala và Soberana 02 của Cuba.

Theo thống kê của chính phủ Nicaragua, nước này đã hoàn thành chương trình tiêm chủng cho 75% dân số trên 2 tuổi với vaccine của Cuba và Nga. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) ước tính chỉ khoảng 35,7% đến 38,6% công dân Nicaragua đã được tiêm chủng đầy đủ và xếp nước này vào nhóm các quốc gia tụt hậu nhất châu Mỹ.

Bộ Y tế Nicaragua cho hay đến nay nước này đã ghi nhận 17.411 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 215 trường hợp tử vong. Trong khi đó, mạng lưới bác sĩ của Đài quan sát công dân COVID-19 cho rằng quốc gia Trung Mỹ này đã có 5.964 ca tử vong do viêm phổi và các triệu chứng khác của COVID-19.

Chính phủ Nicaragua vẫn giữ quan điểm không áp dụng các biện pháp xã hội để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch và không hạn chế tụ họp để không ảnh hưởng đến nền kinh tế, điều này đã gây ra nhiều chỉ trích cũng như quan ngại từ phía PAHO.

Vũ Hội - Mai Phương (TTXVN)
Nga dự kiến thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19 vào nửa cuối năm 2022
Nga dự kiến thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19 vào nửa cuối năm 2022

Nga dự kiến sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại thuốc có thể kiểm soát khả năng nhân lên của virus SARS-CoV-2 vào nửa cuối năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN