Ngày 13/5, Thủ tướng Angela Merkel đã có cuộc gặp thượng đỉnh với năm nhà lãnh đạo các tổ chức tài chính, kinh tế thế giới gồm Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Guy Ryder và Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Angel Gurría. Cuộc gặp khá đặc biệt này được tiến hành từ năm 2007 theo sáng kiến của Đức, nhằm chung tay giải quyết các vấn đề liên quan kinh tế, tài chính trên thế giới. Nguồn tin từ Chính phủ Đức cho biết cuộc gặp nêu trên thảo luận bốn chủ đề chính gồm tình hình kinh tế thế giới, với trọng tâm là kinh tế châu Âu; vấn đề thất nghiệp; chính sách thương mại đa phương và các mục tiêu thiên niên kỷ trong chính sách phát triển. Trong vấn đề kinh tế, cuộc gặp tập trung ba khía cạnh gồm thúc đẩy tăng trưởng, củng cố ngân sách và tiến hành cải cách cấu trúc.
Phát biểu sau cuộc gặp trên, bà Merkel khẳng định cuộc chiến chống thất nghiệp vẫn là một chủ đề trọng tâm cần phải giải quyết trong những năm tới và do vậy, vấn đề giáo dục và việc làm trong tương lai vẫn đóng một vai trò quan trọng. Cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Đức với lãnh đạo năm tổ chức quốc tế đã đề cập tới tình hình kinh tế thế giới cũng như hoạt động của các tổ chức quốc tế này trong việc giải quyết các thách thức hiện nay của kinh tế thế giới.
Theo dự đoán của IMF, kinh tế thế giới trong năm 2014 sẽ đạt tăng trưởng 3,6% và tăng lên 3,9% vào năm 2015. Trong khi đó, WTO cho rằng tăng trưởng về thương mại toàn cầu sẽ đạt 4,7% trong năm nay và lên mức 5,3% trong năm tới. Thủ tướng Đức và lãnh đạo năm tổ chức kể trên cũng cho rằng hiện nay niềm tin đã trở lại với thị trường tài chính, trong lĩnh vực đầu tư và ngân sách.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP - TTXVN
|
Tuy vậy, tỷ lệ thất nghiệp cao, sản xuất giảm sút, đầu tư thấp, sự bất bình đẳng ngày một tăng tại các nền kinh tế mới nổi đã tác động tới triển vọng tăng trưởng. Ngoài ra, mức nợ của hầu hết các quốc gia công nghiệp vẫn cao. Các chính phủ phải tiếp tục nỗ lực thúc đẩy và đảm bảo tăng trưởng, củng cố ngân sách cũng như tiến hành những cải cách mang tính cấu trúc.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí cho rằng những biện pháp quan trọng đã được sử dụng nhằm thúc đẩy sự ổn định, tăng cường khả năng cạnh tranh và đẩy mạnh các nền tài chính công của liên minh tiền tệ châu Âu cũng như của các nước thành viên. Mỹ đã đạt được thành tựu trong việc củng cố ngân sách, mặc dù mức nợ công vẫn cao.
Điều này cho thấy sự cần thiết phải tuân thủ một kế hoạch ngân sách trung hạn tin cậy. Các nước mới nổi phải duy trì chiến lược đảm bảo tăng trưởng bền vững, nâng cao khả năng thích ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, đồng thời đẩy mạnh cải cách cấu trúc và giảm đói nghèo. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng một chiến lược chung cho sự hợp tác chính sách kinh tế quốc tế đã giảm được nhiều thiệt hại do khủng hoảng và mở ra những cơ hội tăng trưởng mới. Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ chức toàn cầu trong việc định hình một thế giới công bằng hơn và mạnh về kinh tế.
Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Berlin)