Thế bế tắc trong cải cách IMF

Theo nhà nghiên cứu Theresa Robles thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đa phương, Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), tình trạng “bên miệng hố chiến tranh” chính trị cũng như một ban lãnh đạo thất bại tại Mỹ đang một lần nữa trì hoãn việc thực thi những cải cách hạn ngạch và cơ cấu quản lí tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Điều này đặt ra câu hỏi rằng tình hình hiện nay có tạo ra lực đẩy mới cho chủ nghĩa địa phương hay không?

 

Trụ sở của IMF ở thủ đô Washington, Mỹ.

 


Mọi sự tập trung đổ dồn về Washington cuối tuần qua, khi các nhà hoạch định chính sách tài chính hàng đầu thế giới tham dự Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G-20 (ngày 10 - 11/4) và Hội nghị mùa Xuân IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) (ngày 11 - 13/4). Kinh tế thế giới có thể đang hồi phục chậm chạp sau khủng hoảng 2008 và 2010, song với tốc độ tăng trưởng và việc làm không ổn định cùng các cải cách tê liệt hiện nay, rõ ràng vẫn còn nhiều việc phải làm.


Chắc chắn các cuộc thảo luận tại Mỹ đều thừa nhận điều này, và tăng trưởng cân bằng và bền vững chiếm trọng tâm lớn trong nội dung nghị sự. Các nhà lãnh đạo trích dẫn những tiến triển đã đạt được và kêu gọi hành động cụ thể để thúc đẩy nội dung nghị sự này. Hạn ngạch và cải cách IMF chỉ là một vấn đề trong danh sách dài, song như đã được minh chứng tại các sự kiện gần đây, vấn đề này tiếp tục bị mắc kẹt do cuộc khủng hoảng chính trị ở Washington và sự thiếu vắng một ban lãnh đạo quyết đoán từ Mỹ. Công bằng mà nói, để quản trị kinh tế toàn cầu hiệu quả không phải là trách nhiệm của riêng Mỹ. Tuy nhiên, sự trì hoãn cải cách đã khiến phần còn lại của thế giới bắt đầu suy nghĩ làm thế nào có thể đi lên trong một hệ thống toàn cầu mà Mỹ sẽ đóng vai trò nhỏ hơn.

Sự trì hoãn cải cách đã khiến phần còn lại của thế giới bắt đầu suy nghĩ làm thế nào có thể đi lên trong một hệ thống toàn cầu mà Mỹ sẽ đóng vai trò nhỏ hơn.


Quốc hội Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội thông qua các cải cách IMF vào tháng 3/2013 khi các cải cách này kêu gọi phân phối lại cam kết tài chính của Mỹ với IMF và thông qua một dự luật mà các thành viên Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện cho rằng “quá nhạy cảm chính trị trong một môi trường ngân sách căng thẳng”. Vấn đề này đang được phe Cộng hòa dùng làm mồi mặc cả trong các cuộc tranh cãi với phe Dân chủ về vấn đề y tế và ngân sách.


Sự kiên nhẫn với chính trường Mỹ đang bị cạn kiệt. Kế hoạch ban đầu dự kiến hoàn tất bản Đánh giá chung về hạn ngạch lần thứ 15 vào tháng 1/2014, song Hội đồng Thống đốc IMF giờ đây ấn định thời hạn chót là vào tháng 1/2015. Với các cuộc bầu cử giữa nhiệm kì của Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới, chính quyền Obama khó có khả năng nhận được sự ủng hộ của Quốc hội trước tháng 1/2015.


Khi sự thất vọng gia tăng và lòng tin vào sự lãnh đạo của Mỹ giảm xuống, những mối quan tâm về các thỏa thuận thay thế một lần nữa nổi lên. Đề xuất về ngân hàng BRICS được đưa ra hồi năm 2012 đã lại xuất hiện trong các cuộc thảo luận khi nhiều nền kinh tế khác tin rằng thế bế tắc hiện nay sẽ tạo ra động lực mới cho các thỏa thuận thay thế mang tính khu vực, chẳng hạn như Sáng kiến Đa phương hóa Chiang Mai (CMIM). Người ta đang nói nhiều về sự chuyển giao quyền lực kinh tế sang các nền kinh tế đang nổi, song không nên quên rằng sự tương thuộc kinh tế đang sâu sắc hơn bao giờ hết. Các thỏa thuận mang tính khu vực sẽ chỉ hiệu quả nếu như hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu cũng hiệu quả.

 

Việt Hải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN