Đài truyền hình quốc gia Ireland (RTE) ngày 30/9 dẫn một tài liệu được cho là đề xuất của Anh gửi tới Brussels, cho biết Anh sẽ đề xuất lập "các trạm cấp phép thuế quan" ở vị trí cách biên giới 8-16km về phía Ireland và vùng Bắc Ireland. RTE nhận định đề xuất này "không có triển vọng thành công".
Báo Daily Telegraph dẫn các nguồn thạo tin xác nhận đề xuất lập các trạm cấp phép hải quan là một phần trong các đề nghị mới mà Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Anh sẽ trình EU trong tuần này.
Giải thích về đề xuất của mình, ông Johnson nói rằng London không đề xuất dựng các hạ tầng cứng kiểm soát dọc biên giới giữa Ireland với vùng Bắc Ireland thuộc Anh sau Brexit song cho rằng sẽ vẫn cần một số trạm kiểm soát. Ông khẳng định "Cuối cùng, một quốc gia thống nhất và có chủ quyền phải là một lãnh thổ hải quan đơn nhất. Nước Anh, sau khi rời EU, sẽ phải như vậy".
Trước đó, cả EU, chính phủ Anh và chính phủ CH Ireland đều thống nhất quan điểm tránh lập công trình hạ tầng cứng có chức năng kiểm soát dọc biên giới giữa CH Ireland với Bắc Ireland. Vấn đề hiện nay là sau Brexit, vùng Bắc Ireland thuộc Anh sẽ không được áp dụng các quy chế của thị trường EU, như vậy đương nhiên sẽ có hàng rào ngăn cách thương mại với CH Ireland vẫn là thành viên của EU. Đây là điều mà cả CH Ireland, Anh và EU lo ngại sẽ châm ngòi trở lại căng thẳng liên quan đến quy chế chính trị của vùng Bắc Ireland.
Tuy nhiên, nếu không tạo ra sự ngăn cách thị trường giữa CH Ireland với vùng Bắc Ireland thuộc Anh thì như vậy hàng hóa của Anh và Bắc Ireland tiếp tục được áp dụng các quy chuẩn chung của EU cũng như tự do thông thương với EU. Chính vì vậy, thách thức hiện nay là làm sao vừa không phải lập các hạ tầng cứng kiểm soát dọc biên giới sau Brexit, đồng thời vẫn duy trì được sự thống nhất, toàn vẹn của thị trường châu Âu.
Để né việc lập các hạ tầng cứng kiểm soát dọc biên giới, Thủ tướng tiền nhiệm Theresa May đã đề xuất giải pháp chốt chặn. Các chốt chặn này nếu được thành lập sẽ hoạt động sau khi Brexit có hiệu lực, với chức năng cho phép Anh cũng như Bắc Ireland tiếp tục ở trong liên minh hải quan của EU vô thời hạn và Bắc Ireland thậm chí vẫn tiếp tục ràng buộc chặt chẽ với một số quy định của thị trường chung châu Âu.
Tuy nhiên, giải pháp này của bà May đã ba lần bị Quốc hội Anh bác bỏ dẫn đến việc bà phải từ chức. Những người phản đối lo ngại giải pháp chốt chặn là bẫy để Anh tiếp tục kẹt trong liên minh hải quân EU, điều này sẽ cản trở Anh tiến hành đàm phán các thỏa thuận thương mại của riêng mình. Đảng Thống nhất dân tộc (DUP) ở Bắc Ireland không muốn đường biên giới "cứng" nhưng cũng không muốn dính líu đến thị trường chung châu Âu.
Theo nhận định của giới phân tích, cho đến thời điểm này, khả năng Anh và EU đạt được thỏa thuận để tránh Brexit cứng vẫn chưa có nhiều sáng sủa.