Thủ tướng Angela Merkel thừa nhận khủng hoảng dịch COVID-19 là 'thử thách lớn nhất'

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, sáng 23/4 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có bài phát biểu đầu tiên của chính phủ về cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mô tả cuộc khủng hoảng này là ‘thử thách lớn nhất” kể từ khi thành lập Cộng hòa Liên bang Đức.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trong cuộc họp dịch về COVID-19 tại Berlin, ngày 23/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong phát biểu, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là “thử thách chưa từng tồn tại từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai và kể từ khi thành lập Cộng hòa Liên bang Đức”. Thủ tướng Đức cũng đã đề cập tới những hạn chế trong đời sống xã hội, những tác động của vấn đề này đối với sức khỏe của người dân và sự gắn kết xã hội ở châu Âu. Bà cho rằng các biện pháp được áp dụng nhằm ngặn chặn đà lây lan của dịch bệnh COVID-19 là chưa từng có trong lịch sử.

Thủ tướng Merkel cũng bày tỏ niềm xúc động khi đề cập đến đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, người già và các cơ sở khuyết tật, nhóm người dễ bị tổn thương do đại dịch COVID-19; đồng thời nhấn mạnh hệ thống y tế của Đức đến nay vẫn “đứng vững”.

Trong tuyên bố của mình, Thủ tướng Merkel đã gửi lời cảm ơn các bác sĩ, nhân viên y tế và nhân viên điều dưỡng nơi tuyến đầu phòng chống đại dịch. Bên cạnh đó, bà cảnh báo Đức hiện đang ở “giai đoạn đầu” của dịch COVID-19 và tình hình dịch bệnh sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài. Người dân vẫn cần duy trì sự thận trọng và hạn chế tiếp xúc xã hội lâu dài để đề phòng nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Trong khi đó, cần cẩn trọng thực hiện việc nới lỏng các biện pháp hạn chế để tránh nguy cơ đại dịch tái bùng phát.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác tại châu Âu và Liên hợp quốc (LHQ) trong phòng chống dịch bệnh. Bà khẳng định, cho dù Mỹ quyết định cắt giảm tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhưng Đức vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ tổ chức này thực hiện các nhiệm vụ của họ, do "WHO là đối tác không thể thiếu”.

Cùng ngày, giới chức thành phố Rostock thuộc bang Mecklenburg-Vorpommern của Đức thông báo thành phố miền Bắc nước Đức này có thể là thành phố đầu tiên trên cả nước không còn bệnh nhân mắc COVID-19.    

Trong một thông báo, Thị trưởng Rostock Ruhe Madsen cho biết bệnh nhân cuối cùng nhiễm virus SARS-CoV-2 trong tổng số 75 ca mắc COVID-19 tại thành phố 200.000 dân này đã bình phục và được rời khỏi khu cách ly.

Theo Thị trưởng Ruhe, những thành quả mà Rostock đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19 cho đến nay là nhờ sớm có biện pháp nghiêm túc chống dịch và hành động kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, như sớm hủy các sự kiện đông người tham gia, đóng cửa các trường học, nhà trẻ. Ngoài ra, việc người dân nghiêm túc thực hiện quy định cũng là một trong những yếu tố sớm khống chế dịch... Thị trưởng Rostock cũng đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị,  cơ quan y tế trong việc xác định các trường hợp tiếp xúc với người bệnh để có thể nhanh chóng phá vỡ chuỗi lây nhiễm. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nguy cơ dịch có thể bùng phát trở lại, nhất là ở các nhóm có nguy cơ. Do đó, ông kêu gọi người dân tiếp tục cẩn trọng, tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

Liên quan quy định về đeo khẩu trang, ngày 22/4, bang Bremen là bang cuối cùng ở Đức bắt buộc đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện công cộng hoặc tới các cửa hàng. Tuy có những quy định khác nhau giữa các bang, song đa số sẽ bắt đầu áp dụng quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện công cộng, vào các cửa hàng (hoặc cả hai) từ đầu tuần tới, trong khi một số bang và thành phố đã và đang áp dụng quy định này.

Các bang nhanh chóng ban hành quy định đeo khẩu trang bắt buộc trong bối cảnh nhiều biện pháp chống dịch được nới lỏng trên cả nước.

Thanh Bình – Mạnh Hùng (TTXVN)
Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định xu thế cải cách dài hạn trong nền kinh tế Trung Quốc không thay đổi
Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định xu thế cải cách dài hạn trong nền kinh tế Trung Quốc không thay đổi

Ngày 23/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẽ tăng cường đầu tư vào một loạt lĩnh vực, trong đó có mạng 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), giao thông và năng lượng, cũng như thúc đẩy việc làm. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang lao đao vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN