Trong thông báo mới đây, các nhà khoa học tại Phòng Thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Vật liệu Liên bang Thụy Sĩ (Empa) cho biết cảm biến sinh học trên có thể được sử dụng để đo nồng độ virus SARS-CoV-2 ở những nơi đông người trong thời gian thực. Thiết bị này cũng có thể ứng dụng để phát hiện các loại virus khác, qua đó giúp phát hiện và ngăn chặn các dịch bệnh ở giai đoạn đầu mới bùng phát.
Để chứng minh tính hiệu quả và chính xác của cảm biến mới phát triển, các nhà khoa học đã thử nghiệm thiết bị này với virus corona gây ra dịch SARS ở Trung Quốc hồi năm 2003, một chủng rất gần với virus SARS-CoV-2 hiện nay.
Theo Tiến sĩ Jing Wang thuộc nhóm nghiên cứu, các kết quả thử nghiệm cho thấy cảm biến sinh học này có thể phân biệt rõ các chuỗi RNA (axit ribonucleic) rất giống nhau của hai chủng virus corona này, và cho kết quả chỉ trong vài phút. Ông Wang cho biết cảm biến này không nhất thiết phải thay thế các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm hiện nay, mà có thể được sử dụng như một biện pháp thay thế trong chẩn đoán lâm sàng. Chuyên gia trên nhấn mạnh ông hy vọng thiết bị này sẽ góp phần giúp khống chế đại dịch COVID-19 càng sớm càng tốt.
Cảm biến sinh học do nhóm nghiên cứu gồm các thành viên của Empa phối hợp với Bệnh viện Đại học Zurich và Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich) phát triển. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cảm biến này vẫn chưa được sử dụng đại trà do vẫn cần phải hoàn thiện thêm.