New Delhi bị liệt vào danh sách những thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới khi khí thải từ các nhà máy, khói, bụi từ hoạt động giao thông của các phương tiện cơ giới và từ việc nông dân đốt rơm rạ bao trùm trên bầu trời ở nhiều nơi cứ mỗi mùa Đông đến. Mỗi sáng thức dậy, cư dân thành phố lại “bị bao vây” trong lớp màn sương mù màu vàng xám và các chuyên gia cảnh báo điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra trong những ngày tới.
Theo kết quả từ các trạm quan trắc đô thị do cơ quan kiểm soát chất lượng không khí SAFAR, nồng độ bụi mịn PM2.5 đã đạt mức trung bình 389 trong ngày 4/11. Con số này cao gấp 15 lần so với giới hạn an toàn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra.
Theo WHO, các hạt PM2.5 với đường kính nhỏ hơn 2,5 micron có thể đi xuyên qua phổi và xâm nhập vào máu, gây ra các bệnh tim mạch và hô hấp, trong đó có bệnh ung thư phổi.
SAFAR khuyến cáo người dân tránh các hoạt động ngoài trời và đeo khẩu trang khi ra ngoài. Cơ quan này cũng cảnh báo việc sử dụng trái phép pháo hoa vốn được dùng trong lễ hội Diwali có thể làm tăng thêm mức độ ô nhiễm trong ngày 5/11.
Vùng thủ đô Delhi và nhiều thành phố lân cận đã cấm hoặc hạn chế sử dụng pháo hoa để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí. Trong giai đoạn gần đến lễ hội, cảnh sát đã thu giữ 4 tấn pháo từ khắp thành phố và bắt giữ hàng chục người bán trái phép. Hằng năm, cứ sau dịp lễ hội này, các bệnh viện trong thành phố đã gia tăng các ca bệnh về hô hấp, hen suyễn và nhiều người cảm thấy khó thở do pháo đốt trong lễ hội.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở New Delhi thường trầm trọng hơn trong tháng 10 và 11 do khói bụi từ các phương tiện giao thông và nhiều ngày không có gió. Đặc biệt, việc nông dân đốt rơm rạ ở những bang xung quanh càng khiến không khí thêm ô nhiễm. Hoạt động này đã bị cấm vào năm 2015 nhưng vẫn không suy giảm và mức độ khói bụi có thể sẽ tăng cao hơn nữa trong những ngày tới.
Giám đốc chương trình của SAFAR Gufran Beig lưu ý tỷ lệ ô nhiễm do đốt rơm rạ đã tăng từ 8% lên 25% trong ngày 4/11 và vào ngày 5/11 sẽ là 40%.