Theo cơ quan giám sát ô nhiễm liên bang, khói mù làm giảm tầm nhìn trong khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) cũng lên mức 461/500. Mức độ này cho thấy chất lượng không khí sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân và tác động nghiêm trọng hơn tới nhóm có bệnh nền.
Mật độ bụi mịn độc hại PM2.5 đo được ở mức trung bình 329 microgram/m3 không khí, gấp hơn 5 lần mức 60 microgram/m3 không khí được chính phủ quy định là an toàn cho sức khỏe của người dân. Bụi mịn PM2.5 có kích thước đủ nhỏ để xâm nhập sâu vào bên trong phổi, vào mạch máy và có thể gây ra những bệnh hô hấp nặng, trong đó có bệnh ung thư phổi.
Chuyên gia Gufran Beig, từ dự án giám sát chất lượng không khí và thời tiết SAFAR thuộc Bộ Khoa học Trái Đất của Ấn Độ, lo ngại tình trạng ô nhiễm không khí tại New Delhi đang trở thành "cơn ác mộng".
Trong khi đó, các hoạt động đốt rơm rạ ở các cánh đồng xung quanh thủ đô New Delhi vẫn tiếp diễn với khoảng 3.000-5.000 đám cháy và không có dấu hiệu giảm. Theo chuyên gia này, tình trạng đốt rơm rạ có thể sẽ giảm vào ngày 13/11 nhưng chất lượng không khí sẽ vẫn duy trì ở mức "rất xấu" cho đến ngày 17/11. Chất lượng không khí cũng có thể tiếp tục xấu đi nếu hoạt động đốt rơm rạ không chấm dứt trong điều kiện gió nhẹ duy trì theo dự báo của SAFAR.
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ thường thuộc nhóm các thủ đô ô nhiễm nhất trên thế giới, chủ yếu do tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ trong mùa Đông do khói từ hoạt động đốt rơm rạ, nguồn khí thải từ các nhà máy nhiệt điện, từ hoạt động giao thông, các hoạt động sản xuất công nghiệp va từ các lò đốt rác ngoài trời.
Trong 4 năm gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã chi hàng tỷ rupee cho các chiến dịch nhằm giảm hoạt động đốt rơm rạ, nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu trong mùa Đông, nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả đáng kể. Ngày 5/11 vừa qua, thủ đô New Delhi đã trải ngày có chất lượng không khí tồi tệ nhất trong năm nay chủ yếu do hoạt động đốt pháo trong dịp lễ Diwali khiến chỉ số AQI tại vùng này tăng lên mức 463/500.