Thống đốc BoE: Nới lỏng quy định ngân hàng có nguy cơ làm tái diễn khủng hoảng 2008

Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey đã cảnh báo Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves không nên nới lỏng một cách triệt để các quy định ngân hàng tại trung tâm tài chính City of London, vì điều này có nguy cơ lặp lại những sai lầm đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Chú thích ảnh
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh ở London. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Ông Andrew Bailey cho biết, mặc dù một số thay đổi trong quy định có thể mang lại lợi ích, nhưng việc cải cách quy định một cách ồ ạt để khuyến khích các hoạt động đầu tư mạo hiểm tại City of London chỉ để kích thích tăng trưởng kinh tế sẽ gây tác dụng ngược. Phát biểu trước các nghị sĩ tại Ủy ban Đặc trách về Tài chính của Quốc hội, ông khẳng định rằng không có sự đánh đổi nào giữa ổn định tài chính và tăng trưởng, và nước Anh đã có kinh nghiệm về điều này.

Tuần trước, bà Reeves đã tận dụng bài phát biểu tại bữa tiệc thường niên ở dinh Mansion House để công bố những thay đổi sâu rộng đối với các quy định của ngành ngân hàng. Bà nói với các nhà lãnh đạo tại trung tâm tài chính City of London rằng, theo bà, trong quá nhiều trường hợp, các quy định đang là "gánh nặng kìm hãm" hoạt động kinh doanh.

Các biện pháp của bà Reeves nằm trong nỗ lực rộng lớn hơn của chính phủ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Mặc dù Vương quốc Anh đã vượt các nước còn lại trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong quý đầu tiên, nhưng nền kinh tế của nước này đã suy giảm trong tháng Tư và tháng Năm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đang gia tăng khi các doanh nghiệp phải vật lộn với việc tăng thuế và sự bất ổn từ cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thống đốc BoE cho rằng những người đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đều nhận thức rõ những nguy cơ gắn liền với việc cắt giảm mạnh tay các quy định tại City of London. Ông nhắc lại khi đó, việc đánh mất sự ổn định tài chính đã khiến Anh rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ông thừa nhận không nên giữ cố định các quy định. Minh họa cho nhận định này, ông nhắc lại việc Chính phủ Anh đã điều chỉnh các quy định tại City of London sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, để các quy định của ngành ngân hàng Anh phản ánh đúng đặc thù của Vương quốc Anh hơn là của EU. Ông khẳng định có những lĩnh vực rõ ràng cần được xem xét và BoE rất cởi mở với điều đó, nhưng thông điệp tổng thể của ông là không thể đánh đổi sự ổn định tài chính cơ bản.

Trong bối cảnh các ngân hàng hàng đầu đang vận động hành lang mạnh mẽ để nới lỏng quy định, ông Bailey cho rằng sự thay đổi như vậy sẽ mang lại ít lợi ích cho các ngân hàng và đặt các hộ gia đình ở Anh vào nguy cơ cao hơn.

Khánh Ly (TTXVN)
Liên hợp quốc đối mặt khủng hoảng tài chính trầm trọng
Liên hợp quốc đối mặt khủng hoảng tài chính trầm trọng

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) sẽ phải cắt giảm từ 3.000-4.000 vị trí làm việc trên toàn thế giới do gặp khó khăn về ngân sách hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN