Thời tiết khắc nghiệt gây hỗn loạn ở Bắc và Nam Âu

Nhiệt độ tăng cao cùng những cơn gió, bão đang gây cháy rừng và làm ngập lụt đường phố châu Âu vào mùa hè này.

Chú thích ảnh
Một thành viên của đội chống cháy rừng dập lửa ở Capaci, gần Palermo, Sicily, miền nam nước Italy ngày 26/7/2023. Ảnh: LaPresse

Ngày 7/8, lính cứu hỏa trên đảo Sardinia đã phải nỗ lực để kiểm soát một loạt các đợt bùng phát cháy rừng. Những nỗ lực của đội cứu hộ trở nên phức tạp bởi một cơn gió mạnh thổi qua Địa Trung Hải.

Tại Nuoro, khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, lực lượng cứu hỏa địa phương đã triển khai 6 đội với tổng cộng 30 nhân viên và 12 phương tiện.

Hiện tại, nghiêm trọng nhất là thiếu nước sinh hoạt sau khi lửa cháy làm hư hại nghiêm trọng nhà máy nước. Nguồn cung cấp sẽ sớm được khôi phục, nhưng Thị trưởng của khu vực đã ký sắc lệnh cấm sử dụng cho đến khi tình hình trở lại bình thường.

Hôm 6/8, khoảng 600 người đã được sơ tán ở các khu vực khác nhau của Sardinia do cháy rừng lan rộng quét qua các khu vực phía Đông Bắc và phía Nam của hòn đảo. 

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chiến đấu với cháy rừng

Các đám cháy ở Bồ Đào Nha tiếp tục tàn phá đất nước, từ Bắc chí Nam. Hơn 3.400 lính cứu hỏa đang chiến đấu với 130 đám cháy ở Bồ Đào Nha. Nhiệt độ hiện trên 40 độ C ở một số vùng của nước này và các nhà chức trách cho biết nguy cơ cháy rừng sẽ vẫn ở mức "rất cao hoặc ở mức tối đa trên cả nước" trong những ngày tới.

Theo Cơ quan Khí tượng Nhà nước, từ 7/8, Tây Ban Nha sẽ phải đối mặt với một đợt nắng nóng mới do một khối không khí khô và ấm xâm nhập từ phía Nam.

Nó sẽ kéo dài đến cuối tuần này, với nhiệt độ sẽ cao hơn tới 15 độ so với mức bình thường trong mùa. Theo dự báo mới nhất, nhiệt độ có thể vượt quá 44 độ C ở phần lớn nửa phía Nam và đạt hoặc gần 40 độ C ở các tỉnh từng có nhiệt đột thấp hơn.

Các cảnh báo sóng nhiệt màu cam và vàng đã được ban hành tại 15 tỉnh ở Andalusia, Castile và Leon, Castile-La Mancha, Extremadura, Galicia và Madrid.

Slovenia kêu gọi EU hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt

Cảnh sát Slovenia hôm 7/8 cho biết số người chết do mưa lớn và lũ lụt kéo dài nhiều ngày đã tăng lên 6 người, trong khi các hoạt động khắc phục vẫn tiếp tục với sự giúp đỡ từ các nước láng giềng.

Thủ tướng Robert Golob đã mô tả những trận mưa xối xả và lũ lụt nghiêm trọng tấn công quốc gia 2 triệu dân trên dãy núi Alps này là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập ba thập kỷ trước.

Hôm 7/8, các nhân viên cứu hộ đã nỗ lực mở lại các con đường đến những nơi xa xôi hoặc hẻo lánh nhất, đồng thời đánh giá thiệt hại mà chính phủ cho biết có thể vượt quá nửa tỷ euro.

Slovenia, một thành viên EU, đã yêu cầu sự giúp đỡ của khối, đặc biệt là các máy móc hạng nặng như máy xúc và cầu tạm đúc sẵn để giải quyết hậu quả của lũ lụt.

Bão lớn ở Na Uy và Đan Mạch

Bão "Hans" được dự báo tràn vào Na Uy vào chiều hoặc tối 7/8. Mưa đã bắt đầu nặng hạt, dẫn đến lũ lụt ở một bãi đậu xe dành cho người đi làm nằm bên ngoài thành phố Oslo. Hậu quả là một số ô tô đã ngập nước do lòng sông liền kề không kịp thoát nước.

Và, sau khi trải qua một tháng 7 ẩm ướt đáng kể, Đan Mạch tiếp tục chịu đựng thời tiết như mùa thu thay vì mùa hè.

Trận mưa như trút và bão bắt đầu vào 7/8 bắt đầu ảnh hưởng đến đảo Bornholm phía Đông trước khi quét qua thủ đô Copenhagen.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Euronews.com)
Mỹ đóng cửa nhiều văn phòng chính phủ tại thủ đô do thời tiết 'đe dọa'
Mỹ đóng cửa nhiều văn phòng chính phủ tại thủ đô do thời tiết 'đe dọa'

Nhiều văn phòng chính phủ Mỹ tại thủ đô Washington D.C. đã đóng cửa vào sáng 7/8 trước nguy cơ thời tiết nhiều rủi ro.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN