Bộ trưởng phục hồi kinh tế Ryosei Akazawa (thứ 2, trái) trong cuộc đàm phán Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (thứ 2, phải) tại vòng đàm phán thuế quan thứ 4 tại Washington (Mỹ), ngày 1/5. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Vậy thông thường thỏa thuận thương mại giữa các quốc gia được đàm phán cụ thể như thế nào, và liệu động thái cứng rắn của Tổng thống Mỹ có làm thay đổi quy trình đó?
Chia sẻ với đài BBC (Anh), cựu đại diện đàm phán thương mại người Canada - ông Jason Langrish cho rằng lời đe dọa áp thuế của Tổng thống Trump chắc chắn đã làm xấu đi bầu không khí trong phòng đàm phán.
Ông Langrish từng giúp Canada ký kết thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ cho biết: "Theo truyền thống, các cuộc đàm phán thương mại mang tính tích cực bởi vì bạn đang tiếp nhận một thỏa thuận vốn hiệu quả giữa hai quốc gia và nâng cấp nó lên".
Bên cạnh đó, ông Langrish đề cập đến các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Canada và Mỹ đồng thời lấy sự kiện này là minh chứng về thay đổi trong bầu không khí. Hai nhóm đàm phán của Mỹ và Canada đang nỗ lực để ký kết một thỏa thuận mới trước hạn chót là ngày 1/8.
Một đại diện đàm phán thương mại khác - ông Karl Falkenberg đã tham gia phái đoàn của EU trong các cuộc đàm phán nhiều năm qua, nói rằng Tổng thống Trump "phớt lờ luật chơi đã định". Vậy chính xác các cuộc đàm phán thương mại được tiến hành như thế nào? Điều gì đã diễn ra trong các phòng họp kín?
Ông Karl Falkenberg kể lại: "Mỗi bên đều chỉ định một trưởng đoàn đàm phán. Các nhóm chuyên trách được thành lập cho từng bàn đàm phán, ví dụ như bàn về thuế quan, quy định hoặc mua sắm chính phủ. Mỗi bàn đàm phán như vậy sẽ có một người phụ trách riêng". Sau đó, các thỏa thuận thường mất nhiều năm để hoàn tất.
Đối với ông Falkenberg, một ngày đàm phán điển hình bao gồm hai buổi sáng và chiều, nhưng cũng có thời điểm ông rời văn phòng lúc 5 giờ sáng. Ông nhớ lại: “Nếu có thể đáp ứng được thời hạn, mọi người sẵn sàng ngồi hàng tiếng đồng hồ liên tiếp, lần dài nhất tôi ngồi là 24 giờ”.
Trái ngược với những bộ phim chính trị thường kịch tính hóa các cuộc đàm phán, hầu hết những người từng tham gia đều cho rằng việc thương lượng thực sự lại diễn ra âm thầm, qua nhiều giờ đàm phán chiến lược, bao gồm cả nhún nhường và đấu trí.
Phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tại vòng đàm phán thương mại ở London, Anh ngày 9/6. Ảnh: THX/TTXVN
Wendy Cutler từng đảm nhiệm vai trò đàm phán cho Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ trong 27 năm, nhận định niềm tin là công cụ đàm phán quan trọng nhất của bà.
Bà lý giải: "Bạn sẽ không thể có được tin tưởng 100%, bởi mỗi bên đều có những mục tiêu quốc gia riêng. Nhưng nếu bạn cảm thấy mình có thể chia sẻ các đề xuất một cách không chính thức với phía bên kia, và điều đó sẽ không bị rò rỉ cho báo chí, hoặc tiết lộ cho các bên liên quan, thì sẽ dễ dàng hơn để đạt được thành công".
Ông Langrish nhận định, tuy các yếu tố nội bộ trong phòng đàm phán đóng vai trò quan trọng, nhưng những diễn biến bên ngoài thế giới thực thường lại là yếu tố quyết định thành bại của một thỏa thuận.
Ông lưu ý rằng vẫn luôn có các lực lượng phản đối việc đạt được thỏa thuận, ví dụ như ngành kinh tế có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, hoặc các nhóm đối lập trong chính trường.
Ông nêu rõ: “Không chỉ có người ủng hộ thúc đẩy thỏa thuận thương mại. Còn có những cá nhân và lĩnh vực đứng trước nguy cơ thiệt hại, và họ cũng có sức mạnh chính trị. Chính yếu tố chính trị mới là thứ cuối cùng khiến tiến trình bị chậm lại”.
Bên cạnh đó, bà Cutler đánh giá việc Tổng thống Trump muốn ký kết thỏa thuận mới với hầu hết các quốc gia trong một khoảng thời gian rất ngắn là điều khiến các nhóm đàm phán của Mỹ gặp khó khăn. Bà còn nhấn mạnh về tuyên bố hồi tháng 4 của cố vấn Thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro rằng Mỹ sẽ đạt được "90 thỏa thuận trong 90 ngày".
"Việc cố gắng ký kết 90 thỏa thuận trong 90 ngày là mục tiêu quá xa vời, ngay cả với Tổng thống Trump. Ngay từ đầu tôi không nghĩ rằng chính phủ Mỹ có đủ năng lực để xử lý tất cả yêu cầu gặp gỡ và đàm phán với nhiều quốc gia", bà Cutler nhận xét.
Kể từ tháng 4, Mỹ đã công bố thỏa thuận với Anh, Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản và Philippines, EU cũng như thỏa thuận một phần với Trung Quốc.