Quang cảnh cảng hàng hóa tại Duisburg, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Trong thông báo, EC nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay là đạt được giải pháp thông qua đàm phán, nhằm ngăn chặn mức thuế 30% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp lên EU từ ngày 1/8. Theo đó, Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic sẽ có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick chiều 23/7, trước khi EC cập nhật tiến trình đàm phán cho các đại sứ EU.
Về biện pháp áp thuế tiềm năng, cụ thể EU sẽ gộp hai danh sách thuế dự kiến trị giá 21 tỷ euro và 72 tỷ euro thành một danh sách duy nhất, trình lên các nước thành viên xem xét thông qua. Các biện pháp đáp trả này sẽ không có hiệu lực trước ngày 7/8. Tính đến nay, EU chưa áp dụng bất kỳ biện pháp đáp trả nào, dù đã nhất trí thông qua đợt đầu tiên hồi tháng 4 nhưng ngay sau đó đã tạm hoãn thi hành.
Giới chuyên gia nhận định EC có thể phần nào lạc quan nhờ thỏa thuận sơ bộ đạt được giữa Mỹ và Nhật Bản, do chính Tổng thống Trump tuyên bố vào sáng 23/7 theo giờ Việt Nam. Theo đó, Mỹ sẽ áp mức thuế 15% đối với ô tô Nhật Bản và một số sản phẩm khác, thấp hơn mức đưa ra ban đầu.
Cổ phiếu châu Âu đồng loạt tăng hơn 1% trong ngày 23/7, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu ô tô, sau khi Tổng thống Trump làm dấy lên hy vọng về một thỏa thuận thương mại với EU, nối tiếp thỏa thuận mới ký với Nhật Bản, trong đó bao gồm mức thuế cơ sở 15%.
Các nhà ngoại giao EU hiện chưa đưa ra bình luận sớm, cho biết họ đang xem xét kỹ các chi tiết của thỏa thuận Mỹ - Nhật, chẳng hạn như việc Nhật Bản sẽ mua thêm gạo từ Mỹ nhưng vẫn duy trì các mức thuế hiện hành đối với sản phẩm nông nghiệp.
Giáo sư Simon Evenett, chuyên gia địa chính trị và chiến lược tại Trường Kinh doanh IMD, nhận định rằng mức thuế 15% là thấp hơn so với mức mà Tổng thống Trump gần đây dọa áp với Nhật và đáng chú ý là mức này dường như được áp cho ô tô - vốn là mặt hàng xuất khẩu trọng yếu của Nhật Bản và ban đầu có nguy cơ chịu thuế cao hơn. Giáo sư Evenett cho rằng thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ là “mức tối thiểu” cho mục tiêu đàm phán giữa Mỹ và EU.