Thỏa thuận thuế quan với EU giúp Tổng thống Trump tránh được kịch bản tồi tệ

Theo kênh CNN ngày 28/7, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã tránh được kịch bản tồi tệ nhất: một cuộc chiến thương mại toàn diện, gây tổn hại giữa các đồng minh, đẩy giá hàng hóa lên cao và làm chậm lại hai nền kinh tế lớn của thế giới. Khung thỏa thuận mới đã mang lại cảm giác nhẹ nhõm cho cả hai bên dù vẫn còn hoài nghi.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại khu nghỉ dưỡng ở Turnberry (Scotland) ngày 27/7. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Thỏa thuận đặt ra mức thuế 15% đối với hầu hết hàng hóa châu Âu xuất khẩu vào Mỹ, cao hơn mức 10% mà ông Trump áp đặt hôm 2/4 và cao hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 1,2% trước thời ông Trump. Tuy vậy, mức thuế này vẫn thấp hơn đáng kể so với các con số khổng lồ mà ông Trump từng cảnh báo nếu hai bên không đạt được thỏa thuận.

Cuối tháng 5, không ai nghĩ EU và Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận. Thất vọng vì các cuộc đàm phán với EU không có tiến triển, ngày 24/5, ông Trump tuyên bố với thế giới rằng ông đã chấm dứt đối thoại với một số đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Ông Trump viết trên Truth Social: “Cuộc thảo luận của chúng ta với họ không đi đến đâu! Tôi không tìm kiếm thỏa thuận nào cả. Chúng tôi đã chốt thỏa thuận rồi, ở mức 50%”.

Tuyên bố này cùng với cảnh báo áp thuế ở mức cao bất thường khiến các nhà đàm phán thương mại châu Âu choáng váng và buộc các nhà lãnh đạo châu Âu phải hành động. Họ nhanh chóng đồng ý đẩy nhanh tiến độ đàm phán.

Tổng thống Trump đã thay đổi thái độ sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi điện cam kết rằng EU sẽ hành động nhanh chóng và dứt khoát. Ông Trump liền rút lại lời cảnh báo và tuyên bố sẽ tiếp tục đàm phán.

Tuy nhiên, trong suốt nhiều tháng, vẫn khó đạt được thỏa thuận giữa Mỹ và EU (một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ). Hai bên tranh cãi khi Mỹ áp thuế cao đối với thép và nhôm, định áp thuế với dược phẩm và áp mức sàn thuế quan cho gần như mọi mặt hàng.

Các nhà đàm phán đã không đưa ra được giải pháp trước hạn chót ban đầu là ngày 9/7. Đó cũng là một lý do khiến chính quyền Tổng thống Trump hoãn ngày có hiệu lực của các mức thuế đối ứng sang ngày 1/8. Chỉ vài ngày trước hạn chót mới, trong chuyến thăm Scotland, ông Trump đã gặp bà von der Leyen và hoàn tất khung thỏa thuận, tuy còn sơ sài về chi tiết, còn nhiều điều kiện ràng buộc, nhưng vẫn là một bước đột phá được cả hai bên mong chờ.

Tránh được điều tồi tệ nhất

Nhờ thỏa thuận này, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tránh được một cuộc chiến thương mại có thể gây tổn thất nặng nề. Mỹ từng cảnh báo áp thuế 50% lên hàng hóa châu Âu, trong khi châu Âu cảnh báo đáp trả bằng các mức thuế chiến lược có thể gây tổn hại cho nhiều ngành công nghiệp trọng yếu của Mỹ.

Cả hai bên dường như hài lòng vì đã có một thỏa thuận. Ông Trump nói khi công bố thỏa thuận với bà von der Leyen: “Chúng ta đã làm được. Mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp”.

Về phần mình, bà von der Leyen nói: “Tôi nghĩ chúng ta đã đạt đúng điểm cần tìm. Cân bằng lại nhưng vẫn tạo điều kiện cho thương mại song phương. Nghĩa là tạo ra việc làm ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương, mang lại thịnh vượng cho cả hai phía và đó là điều quan trọng với chúng ta”.

Thị trường đã phản ứng tích cực, dù khiêm tốn. Chỉ số Dow Jones tương lai tăng 150 điểm, tương đương 0,3%. Hợp đồng tương lai S&P 500 tăng 0,3% và Nasdaq tăng 0,4%.

Ông Jörn Fleck, Giám đốc cấp cao Trung tâm châu Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định: “Mỹ và châu Âu dường như đã tạm thời tránh được một cuộc chiến thương mại tự hủy diệt trong mối quan hệ thương mại và đầu tư lớn nhất, sâu sắc nhất mà nền kinh tế toàn cầu từng chứng kiến”.

Tuy nhiên, chi tiết của thỏa thuận vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. EU cam kết tăng đầu tư vào Mỹ thêm 600 tỷ USD và mua năng lượng trị giá 750 tỷ USD từ Mỹ. Thỏa thuận cũng loại bỏ thuế quan với nhiều mặt hàng, bao gồm máy bay và linh kiện máy bay, chất bán dẫn, thuốc gốc, một số hóa chất và nông sản.

Ông Maury Obstfeld, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, lưu ý rằng nhiều khoản đầu tư này thực chất đã được triển khai từ trước. Hơn nữa, thỏa thuận dường như không giải quyết được các rào cản phi thuế quan của EU, như thuế giá trị gia tăng và thuế kỹ thuật số vốn từng bị chính quyền Tổng thống Trump chỉ trích gay gắt. Ông Obstfeld nói: “Thỏa thuận này có rất nhiều điều khiến tôi băn khoăn”.

Tuy nhiên, một số ngành được hưởng lợi từ thỏa thuận miễn thuế thì vui mừng. Hiệp hội Vận tải Hàng không Mỹ cho biết trong một tuyên bố: “Chế độ thuế 0% sẽ giúp tạo thêm việc làm, tăng cường an ninh kinh tế và tạo nền tảng cho vai trò dẫn dắt của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất và an toàn”.

Tuy nhiên, mức thuế cơ bản 15% vẫn áp dụng cho phần lớn hàng hóa, do đó các quốc gia thành viên EU và các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ phải đối mặt với thực tế rằng thuế cao sẽ khiến giá hàng hóa châu Âu tại Mỹ tăng lên.

Ông Joe Brusuelas, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty RSM, nhận định: “Ta sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng nhập khẩu từ châu Âu. Đó là điều hiển nhiên. Thỏa thuận này không thúc đẩy thương mại, mà chỉ đơn giản là áp thuế với hàng hóa châu Âu tại Mỹ”.

Thỏa thuận cũng giáng thêm một đòn vào các nhà sản xuất ô tô tại Detroit vốn từng phản đối thỏa thuận tương tự giữa chính quyền Tổng thống Trump và Nhật Bản. Thuế 15% với ô tô châu Âu nhập khẩu vào Mỹ thấp hơn mức 25% mà các hãng ô tô Mỹ phải trả nếu sản xuất xe tại Mexico.

Dù bà von der Leyen khẳng định dược phẩm đã được đưa vào khuôn khổ ban đầu của thỏa thuận, nhưng bà cũng thừa nhận ông Trump có thể sẽ tăng thuế với thuốc xuất khẩu sang Mỹ và điều này có thể làm suy yếu thỏa thuận.

Dẫu vậy, trong mắt các nhà đàm phán và vì lợi ích của nền kinh tế toàn cầu, có một thỏa thuận vẫn tốt hơn không có gì cả. Ông Brusuelas nói: “Chúng ta đã tránh được kịch bản ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và EU mà điều đó có thể lan sang lĩnh vực dịch vụ, vốn quan trọng hơn nhiều”.

Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc
Cuộc chạy đua của các nền kinh tế lớn trước 'hạn chót' thuế quan của Mỹ
Cuộc chạy đua của các nền kinh tế lớn trước 'hạn chót' thuế quan của Mỹ

Tình hình thuế quan toàn cầu đang ngày càng phức tạp, với những đe dọa, trì hoãn và các cuộc đàm phán căng thẳng, cho thấy một cục diện thương mại đầy biến động thời chính quyền Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN