Đặc phái viên LHQ về Syria, ông Staffan de Mistura (trái), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở Geneva. Ảnh: EPA/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Anh, RUSI nhận định việc Mỹ và Nga làm trung gian cho lệnh ngừng bắn là điểm nhấn quan trọng trong nỗ lực giải quyết vấn đề Syria. Theo RUSI, tình trạng kéo dài của cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn dân thường Syria trong khi vấn đề cứu trợ nhân đạo ngày càng trở nên cấp bách. Nếu tiếp cận từ góc độ này, thỏa thuận giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov hiển nhiên là được hoan nghênh, dù nó còn ẩn chứa nhiều hạn chế.
Các thành viên Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ hay những nước kình địch nhau như Iran và Saudi Arabia không có lý do gì để quay lưng lại với thỏa hiệp của Mỹ-Nga. Điều quan trọng đối với họ vào thời điểm này là làm thế nào để có thể tranh thủ tối đa sự thỏa hiệp giữa Mỹ và Nga phục vụ cho lợi ích của chính mình trong không gian chiến lược Trung Đông.
Tuy nhiên, nếu tiếp cận từ góc độ cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn trong khu vực, thì lệnh ngừng bắn lại khiến người ta thất vọng nhiều hơn. Chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra lẻ tẻ khi các phe phái tìm cách gia tăng lợi thế về chính trị và quân sự trước thời điểm bắt đầu đàm phán hòa bình. Thật khó có thể tìm ra một thỏa thuận ngừng bắn nào ở Syria mà được tôn trọng hoàn toàn, nghiêm túc và không bị các bên tham chiến vi phạm.
Theo RUSI, kịch bản "trong mơ" mà lệnh ngừng bắn có thể mang lại đó là các nhóm vũ trang hiện đang ở thế "cài răng lược" với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ trở súng nhắm vào lực lượng cực đoan này. Họ sẽ tạo ra động lực mới trong cuộc chiến chống IS, góp phần đẩy lực lượng này ra khỏi Syria. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh giành vùng lãnh thổ hiện do IS chiếm đóng lại là một nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa nhấn chìm mọi nỗ lực ngừng bắn và hòa đàm.
Mặc dù vậy, thỏa thuận ngừng bắn do Nga-Mỹ làm trung gian có thể giúp giảm thiểu phần nào tình trạng bạo lực đẫm máu, tạm thời hạ nhiệt căng thẳng và cải thiện hiệu quả của hoạt động cứu trợ nhân đạo. Về lâu dài, vấn đề Syria vẫn cần những bước đột phá quan trọng với sự nhượng bộ và thỏa hiệp sâu rộng từ các bên liên quan đến cuộc nội chiến hiện nay.