Trong thông báo đưa ra ngày 16/12, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông Erdogan đã hối thúc Chủ tịch Michel có "cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn" đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ hướng đến việc xây dựng tương lai của mình cùng với EU và coi mọi bước tích cực trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU là cánh cửa mở ra cơ hội.
Tổng thống Erdogan đồng thời tái khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng khởi động các cuộc đàm phán song phương với Hy Lạp về tranh chấp lãnh hải. Nhà lãnh đạo này lặp lại lời kêu gọi tổ chức một hội nghị về Đông Địa Trung Hải.
Căng thẳng trong quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ lại leo thang sau khi tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra hồi tuần trước, lãnh đạo các nước EU nhất trí chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới các hoạt động khoan thăm dò của Ankara ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối động thái mà nước này cho là "không công bằng" và "bất hợp pháp" của EU khi lập một danh sách các công dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị Brussels áp đặt lệnh trừng phạt liên quan tới các hoạt động trên.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ cử một tàu thăm dò và nhiều tàu hải quân đến vùng biển tranh chấp với Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong nhiều tháng qua của Athens cũng như các nước EU. Các nước Pháp, Hy Lạp và CH Cyprus đã liên tục kêu gọi EU có biện pháp mạnh hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, nhiều nước khác lại có cách tiếp cận mềm mỏng hơn do lo ngại căng thẳng gia tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thỏa thuận nhằm ngăn chặn dòng người di cư qua Thổ Nhĩ Kỳ vượt Địa Trung Hải đổ về châu Âu. Trong khi đó, là một ứng cử viên gia nhập EU, bất đồng mới nảy sinh càng gây khó khăn hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ trong tiến trình đàm phán về gia nhập "ngôi nhà chung châu Âu".