Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ quan điểm phản đối đối với nội dung này trong kết luận Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 10/12.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng các lệnh trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt sẽ gây phương hại cho cả hai bên.
Phát biểu với các quan chức đảng Công lý và Phát triển (AK) cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh mọi vấn đề đều có thể giải quyết thông qua đối thoại và hợp tác.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ các biện pháp trừng phạt mới mà EU đang chuẩn bị nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy Brussels sẽ không còn chấp nhận những hành động gây bất ổn trong quỹ đạo của mình. Tuy nhiên, theo ông, EU vẫn sẵn sàng đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ sau hội nghị thượng đỉnh tại Brussels.
Trong thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ, ứng cử viên gia nhập EU, và Hy Lạp (một thành viên EU) đã nảy sinh bất đồng về vùng lãnh thổ tại Đông Địa Trung Hải được cho là có nhiều khí đốt. Việc Ankara cử một tàu thăm dò và nhiều tàu của hải quân đến vùng biển tranh chấp đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Athens và các nước còn lại trong EU.
Các nước Pháp, Hy Lạp và CH Cyprus đang thúc đẩy hành động chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi những nước khác trong EU bao gồm cả Đức, Italy và Ba Lan phản đối áp đặt lệnh trừng phạt cũng như cấm vận đối với một đồng minh của họ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).