Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 16/9 ở Istanbul trước khi lên đường tới New York (Mỹ), ông Erdogan chia sẻ: “Ưu tiên của chúng tôi là tổ chức đàm phán 3 bên như kế hoạch trước đó. Tuy vậy, chúng tôi cũng đề nghị nhóm họp theo định dạng 4 bên - gồm bản thân tôi, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Tôi nói, chúng ta hãy cùng đến và thảo luận về những biện pháp cần được triển khai. Đến nay, tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ hồi đáp tích cực hay tiêu cực nào”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần bày tỏ mong muốn làm trung gian hòa giải xung đột giữa Armenia và Azerbaijan. Thổ Nhĩ Kỳ là nước láng giềng sát cạnh Armenia nhưng lại có nhiều sự hỗ trợ cho Azerbaijan. Nếu xung đột giữa hai nước này không được kiểm soát, bất ổn an ninh sẽ gây xáo trộn một khu vực được coi là hành lang năng lượng quan trọng đối với kinh tế toàn cầu.
Quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia vùng Trung Á này liên quan đến quyền kiểm soát Nagorny-Karabakh, khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này. Căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng với đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tiến hành hàng chục cuộc gặp cấp cao, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp cho các vấn đề, trong đó có việc phân định biên giới và trao đổi tù nhân.