Phát biểu tại Diễn đàn Doha ở Qatar, ông Kalin nêu rõ nếu cộng đồng quốc tế "đốt những cây cầu nối với Nga" thì sẽ không thể đối thoại với Moskva để chấm dứt tình thế khủng hoảng hiện nay. Ông nhấn mạnh: "Người Ukraine cần được hỗ trợ bằng mọi phương thức có thể để có thể tự vệ ... nhưng (ý kiến của) người Nga cũng cần được lắng nghe bằng cách này hay cách khác." Quan chức Ankara cho biết thêm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan có kế hoạch hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong những ngày tới để thảo luận vấn đề Ukraine.
Trước đó một ngày, cũng phát biểu tại diễn đàn đàn trên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định nước này hoan nghênh các nhà tài phiệt Nga, song lưu ý họ cần tuân thủ luật pháp quốc tế để có thể tiếp tục kinh doanh tại quốc gia này.
Là nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ có biên giới trên biển với cả Ukraine và Nga tại Biển Đen, đồng thời duy trì quan hệ hữu nghị với cả hai nước láng giềng. Ankara đã đề nghị đóng vai trò trung gian hòa giải và có nhiều động thái ngoại giao nhằm tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine. Mặc dù phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng thời phản đối các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga và không tham gia các hành động này. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng, hợp tác thương mại và du lịch với Nga.