Công ty nghiên cứu thị trường nông nghiệp toàn cầu Global AgriTrends cho rằng rất khó để có thể dự đoán căn bệnh này sẽ lây lan như thế nào tại Trung Quốc. Nó có thể là những đợt bùng phát không thường xuyên và có tác động không đáng kể tới thị trường trong nước. Nhưng với mật độ và quy mô chăn nuôi lợn tại Trung Quốc, dịch bệnh này có thể trở thành một nguy cơ vô cùng nghiêm trọng với nguồn cung thịt lợn cho thị trường đông dân nhất thế giới này.
Theo chuyên gia Brett Stuart của Global AgriTrends, một đợt bùng phát dịch bệnh lan rộng có thể dẫn đến việc nhà chức trách Trung Quốc phải ra lệnh tiêu hủy lợn nhiễm dịch. Và vì thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 3% nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của người dân Trung Quốc, chỉ tiêu hủy 10% đàn lợn tại nước này cũng sẽ có tác động đáng kể đến hoạt động nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc.
Chuyên gia Stuart cho rằng dù kịch bản nêu trên xảy ra không có nghĩa là Trung Quốc sẽ gia tăng nhu cầu về thịt lợn Mỹ. Ông lưu ý rằng Liên minh châu Âu (EU) là nhà xuất khẩu lớn hơn khi cung cấp khoảng 55% nhu cầu thịt lợn cho thị trường Trung Quốc. Do vậy, tác động tiềm tàng từ bệnh dịch lên đàm phán thương mại sẽ không xảy ra ngay lập tức.
Trung Quốc là nước sản xuất, đồng thời tiêu dùng và nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc đã tăng thuế đối với mặt hàng thịt lợn nhập khẩu của Mỹ lên 37% trong tháng Tư rồi lên 62% vào tháng Bảy vừa qua trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế tiếp tục gia tăng.
Tuy nhiên, ông Stuart cũng nhận định khi xét đến các khả năng, tình hình vẫn có thể diễn biến xấu tới mức khiến Chính phủ Trung Quốc phải cân nhắc gỡ bở thuế quan áp lên thịt lợn Mỹ.
Trung Quốc là thị trường chủ chốt của thịt lợn Mỹ do các nhà nhập khẩu mua theo từng phần như móng, khuỷu chân giò và nội tạng, thường ít có giá trị ở hầu hết các nước. Năm 2017, nông dân Mỹ đã xuất khẩu 1,1 tỷ USD các sản phẩm thịt lợn sang Trung Quốc (tính cả Đặc khu Hành chính Hong Kong).