Thiệt hại đáng sợ nhưng ít gây chú ý với Mỹ trong thương chiến

Thuế quan có thể được dỡ bỏ dễ dàng như khi chúng được áp dụng, còn việc đảo ngược dòng vốn đầu tư thì giống như khôi phục danh tiếng bị tổn hại: Mất ít công sức để phá hủy, nhưng có thể mất nhiều năm để xây dựng lại.

Chú thích ảnh
Nhà đầu tư Mỹ theo dõi thị trường chứng khoán đi xuống sau các động thái leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Ảnh: AP

Nhịp điệu của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã trở nên quá quen thuộc - các giai đoạn đàm phán căng thẳng, bị chao đảo thêm bởi chiến thuật leo thang thuế của Washington, sau đó là Bắc Kinh ăn miếng trả miếng. "Loạt súng" mới nhất đã nổ ra với thông báo bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng kể từ ngày 1/9, hơn 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế 10% (trừ một số mặt hàng được lùi thời hạn áp thuế tới ngày 15/12).

Cuộc chiến thuế quan leo thang, trong khi gây được sự chú ý, đã che giấu sự sụt giảm mạnh không phải ở kim ngạch thương mại Mỹ - Trung Quốc mà là ở đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Chắc chắn cuộc chiến thương mại đơn phương và phủ đầu của Tổng thống Trump đã làm rung chuyển thị trường, nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy nền kinh tế trong nước cùng với sức mạnh mềm của Mỹ là những nơi chịu "thương tích” hàng đầu. Và đó chắc chắn không phải là mục tiêu của Washington.

Tờ Foreign Policy cho rằng chính quyền Tổng thống Trump đã sớm quyết định rằng cách tốt nhất để buộc Trung Quốc nhượng bộ mọi thứ, bao gồm quyền sở hữu trí tuệ và tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ, là sử dụng thuế quan. Nhưng đó chỉ là mũi của ngọn giáo; thứ ít nhận thấy hơn là một bầu không khí băng giá hơn nhiều ở Mỹ đối với dòng vốn Trung Quốc cho các khoản đầu tư của nước này vào nền kinh tế nội địa Mỹ.

Trong khi thuế quan thu hút nhiều sự chú ý, tình trạng đóng băng đầu tư của Trung Quốc có thể còn gây hậu quả hơn nhiều. Trên thực tế, thuế quan có thể được dỡ bỏ dễ dàng như khi chúng được áp dụng, còn việc đảo ngược dòng vốn đầu tư thì giống như khôi phục danh tiếng bị tổn hại: Mất ít công sức để phá hủy, nhưng có thể mất nhiều năm để xây dựng lại.

Chú thích ảnh
Dòng vốn đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ đang chững lại do bầu không khí thù địch giữa hai nước. Ảnh: Reuters

Bầu không khí thù địch là một vấn đề lớn, bởi dòng vốn đầu tư nhiều hơn của Trung Quốc vào nền kinh tế Mỹ có thể là một trong những đòn bẩy mạnh nhất cho sự thay đổi tích cực mà Mỹ đang có được, nhưng chính quyền Tổng thống Trump lại được cho là đang ném nó đi. Giới chuyên gia cho rằng, nếu mục tiêu là đưa Trung Quốc hướng tới một nền kinh tế công bằng và cởi mở hơn, thì từ bỏ đòn bẩy đó là một sai lầm lớn.

Cho đến nay, các đòn thuế quan đã không thành công trong việc ép buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ. Mặc dù thực sự gây khó chịu, biểu thuế suất hiện tại không đủ để thúc đẩy sự thay đổi đột ngột trong chuỗi cung ứng hoặc mô hình tiêu thụ, và ngoài sự sụt giảm trong xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc thì cán cân thương mại Mỹ - Trung hầu như vẫn tĩnh tại trước các đòn thuế hai bên đánh vào nhau.

Thứ biến động, chính là đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Từ năm 2000-2018, theo dữ liệu từ Rhodium Group (chuyên nghiên cứu dữ liệu kinh tế và phân tích xu hướng toàn cầu), các công ty và cá nhân Trung Quốc đã rót khoảng 140 tỷ USD vào Mỹ, phần lớn là trong khoảng năm 2011-2018, và năm 2016 là năm cao điểm với khoảng 45 tỷ USD. Con số này còn chưa bao gồm các giao dịch mua bất động sản tại Mỹ.

Theo Hiệp hội Bất động sản Quốc gia, người Trung Quốc là những khách hàng nhà đất lớn nhất ở Mỹ, chi trung bình gần 30 tỷ USD hàng năm từ 2015 đến 2018, chủ yếu ở Florida, Texas, California và New York. Và tất nhiên Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, đang nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu chính phủ.

Chú thích ảnh
Công trình cầu Geritsen Inlet do tập đoàn xây dựng China Construction America của Trung Quốc thi công tại New York vào năm 2016. Ảnh: Xinhua

Tuy nhiên, tất cả điều đó đã đảo ngược trong năm qua kể từ khi cuộc chiến thuế bắt đầu. Trung Quốc giảm mua nợ của Mỹ (mua trái phiếu chính phủ). Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm 88% từ năm 2016 đến năm 2018 và không có dấu hiệu hồi phục trong năm nay. Hơn 300.000 sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học Mỹ, theo ước tính đóng góp 13 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ mỗi năm, hồi tháng 6 đã được Bắc Kinh cảnh báo nên xem xét liệu Mỹ có phải là một môi trường hiếu khách trước những khó khăn gia tăng trong việc xin thị thực hay không. Và lần đầu tiên sau 15 năm, du lịch Trung Quốc đến Mỹ, mảng đóng góp thêm 35 tỷ USD hàng năm, đã giảm vào năm ngoái.

Những con số nói trên đã thể hiện một tác hại trực tiếp đến nền kinh tế nội địa Mỹ mà đổi lại không có lợi ích tương xứng nào. Nhưng đó không phải là điều tồi tệ nhất. Nhiều luồng đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, được cho là một đòn bẩy mạnh mẽ, hiện đang bị mất đi hoặc lãng phí. Đòn bẩy rõ ràng nhất là hàng trăm tỷ USD đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ. 

Bị cuốn vào nền kinh tế nội địa Mỹ, Trung Quốc sẽ gặt hái nhiều lợi ích khi các doanh nghiệp hoạt động tốt và cũng phải gánh chịu tổn thất khi những doanh nghiệp đó có nguy cơ bị trả đũa trong xung đột. 

Chú thích ảnh
 Container hàng tại một cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AP

Một logic tương tự cũng áp dụng cho sinh viên du học, khách du lịch, và tất nhiên, cả việc Trung Quốc mua nợ Chính phủ Mỹ. Tình trạng thâm hụt thương mại khiến nhiều người chỉ trích là hậu quả của việc người Trung Quốc có cả đống đô la dư thừa, trong những năm qua họ đã sử dụng để mua các công ty Mỹ, bất động sản Mỹ, nợ Mỹ, và gián tiếp trả học phí tại các trường đại học cũng như những chuyến du lịch Mỹ.

Tất nhiên, không có điều nào trong số này xuất hiện trong các số liệu thống kê thương mại, thứ do đó là một bức tranh chưa hoàn chỉnh về dòng tiền, hàng hóa và dịch vụ giữa Trung Quốc và Mỹ mà cuộc chiến thuế quan đe dọa phá vỡ.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Thương chiến Mỹ-Trung leo thang và năm hậu quả khôn lường với Mỹ
Thương chiến Mỹ-Trung leo thang và năm hậu quả khôn lường với Mỹ

Loạt đòn "ăn miếng trả miếng" mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc về thuế quan và tiền tệ rõ ràng khiến cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cuốn vào vòng xoáy căng thẳng mới và khó có thể kết thúc trong tương lai gần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN