Thiết bị y tế giá rẻ giúp New Delhi đối phó với dịch COVID-19

Máy đo nồng độ oxy có giá 1.000 rupee đóng góp một phần rất lớn trong công cuộc ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ).

Hai lần một ngày, cô Kamal Kumari – nhân viên y tế tại New Delhi nhận được một loạt tin nhắn WhatsApp từ các bệnh nhân COVID-19. Nội dung trong tin nhắn là chỉ số nồng độ oxy mà máy đo được hoặc là ảnh chụp màn hình thiết bị. Kamal cặm cụi ghi từng con số vào sổ theo dõi, đảm bảo chỉ số mà các bệnh nhân đo được đều trên 95 điểm. 

“Nếu chúng tôi không có thiết bị này, chúng tôi sẽ không nắm được nồng độ oxy trong cơ thể bệnh nhân’, Kamal nói tới thiết bị nhỏ bé chỉ có giá 1.000 rupee (khoảng 318.000 đồng) nhưng có sức mạnh to lớn giúp New Delhi vượt qua đại dịch.

Trước đó, do tỷ lệ các ca mắc COVID-19 cao liên tục nên thủ đô Ấn Độ luôn trong tình trạng thiếu giường bệnh. Các y bác sĩ tại đây rất lo lắng về tình hình của các bệnh nhân có thể đột ngột chuyển hướng xấu.

“Giờ chúng tôi đã tìm ra phương thức để có thể đưa bệnh nhân an toàn và kịp thời tới bệnh viện”, Kamal cho hay.

Tính đến thời điểm hiện tại, chính quyền New Delhi đã phát miễn phí máy đo nồng độ oxy cho trên 32.000 người. Đây nằm trong kế hoạch giúp những bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tự cách ly ở nhà mà không cần phải nhập viện.

“Nếu chúng tôi không làm theo kế hoạch này, sẽ không còn chỗ để đứng trong bệnh viện”, người đứng đầu cơ quan y tế Delhi ông Satyendar Jain giải thích.

Với gần 3,7 triệu người mắc COVID-19 tính đến 3h chiều ngày 1/9, Ấn Độ là quốc gia có số ca nhiễm lớn thứ 3 trên giới. Điều này đã buộc các bang trên cả nước tiến hành nhiều biện pháp khác nhau nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan.

Theo ông Jain, giới chức y tế Delhi nhận thấy những người bệnh tại thành phố bắt đầu có triệu chứng “giảm oxy máu vui vẻ”. Triệu chứng này là người bệnh có lượng oxy trong máu thấp nhưng lại không có biểu hiện khó thở hay gặp vấn đề về hô hấp. Triệu chứng này có thể dẫn tới nhiều biến chứng cho các bệnh nhân COVID-19 đang tự cách ly tại nhà.

Để theo dõi thường xuyên, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân mắc COVID-19 phải đến bệnh viện hoặc tự kiểm tra bằng máy đo oxy tại nhà. Hầu hết các máy này là sản phẩm của Trung Quốc.

New Delhi không phải là thành phố duy nhất ứng dụng thiết bị này vào cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Hồi tháng 5, ngay trong thời điểm đỉnh dịch, Singapore đã phát hàng nghìn máy đo nồng độ oxy cho người lao động nhập cư bị cách ly tại các khu ký túc chật chội. Bộ Y tế Singapore cho biết máy đo oxy cho phép người bệnh “chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe và tìm đến hỗ trợ y tế nếu cần thiết”.

Cuối tháng 7, bang Assam miền Đông Bắc Ấn Độ phát miễn phí gần 4.000 máy cho bệnh nhân tự cách ly tại nhà. 

“Việc hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng máy đo oxy là điều tối quan trọng”, bác sĩ Hemant Kalra chuyên nghiên cứu về nhịp tim ở New Delhi nói thêm rằng các máy đo oxy giá rẻ không đạt tiêu chuẩn tràn ngập thị trường cũng đang là một vấn đề.

Ông Jain cho biết chương trình của chính phủ đã phát huy tác dụng khi trong một tháng rưỡi trở lại đây, thành phố không ghi nhận trường hợp tử vong trong hàng nghìn bệnh nhân tự cách ly tại gia. 

Bảo Hà/Báo Tin tức
FDA cho phép sử dụng thiết bị hỗ trợ tâm thất trái cho bệnh nhân COVID-19
FDA cho phép sử dụng thiết bị hỗ trợ tâm thất trái cho bệnh nhân COVID-19

Nhà sản xuất thiết bị y tế Abiomed Inc ngày 4/8 cho biết Cơ quan Thuốc và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép cho thiết bị hỗ trợ tâm thất trái trong trường hợp khẩn cấp để trợ giúp các bệnh nhân bị suy tim và phổi liên quan đến bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN