Thích ứng với xã hội già hóa - Bài cuối: Vòng tuần hoàn lành mạnh

Trong khi xu thế chung trên toàn Nhật Bản là dân số giảm, thì có một địa phương lại trở thành ngoại lệ khi dân số tăng đều đặn trong khoảng 10 năm trở lại đây. Đó chính là thành phố Akashi, tỉnh Hyogo. Đây là một trong những địa phương hiếm hoi ở Nhật Bản có tỷ lệ sinh cao và dân số tăng lên nhờ sự hỗ trợ hào phóng từ chính quyền địa phương dành cho các hộ gia đình có trẻ em.

Đối với những khu vực có dân số già, sự suy giảm dân số của các cộng đồng và số lượng người cao tuổi sống một mình ngày càng tăng đã trở thành vấn đề, nhưng chính quyền địa phương Akashi và cư dân đã hợp tác để hỗ trợ cuộc sống của người cao tuổi, đồng thời thu hút các thế hệ trẻ hơn dẫn đến sức sống gia tăng cho khu vực.

Sự tương tác giữa nhiều thế hệ

Từ cuối thập niên 50 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, trong thời kỳ bùng nổ kinh tế sau chiến tranh, việc xây dựng “Khu phố mới” (khu dân cư ngoại ô mới ra đời để ứng phó với tình trạng quá tải dân số ở các trung tâm đô thị) đã diễn ra trên khắp Nhật Bản. Nhiều người đã chuyển đến những Khu phố mới này mà họ coi là lý tưởng, nhưng trong những năm gần đây, tình trạng dân số già và các tòa nhà cũng cũ đã khiến “Khu phố mới cũ” trở thành vấn đề trên khắp Nhật Bản.

Nằm giữa Akashi với Kobe và được tỉnh Hyogo phát triển, chung cư Akashi Maiko Danchi, thường được gọi là Meimai Danchi, không phải là ngoại lệ. Với khoảng 100 tòa nhà 5 tầng trong khuôn viên rộng 197 ha với tầm nhìn ra Eo biển Akashi, 60 năm đã trôi qua kể từ khi nơi này bắt đầu tiếp nhận cư dân vào năm 1964 và cùng với thời gian, họ đều đã già đi. Tỷ lệ cư dân từ 65 tuổi trở lên cao hơn đáng kể so với mức trung bình của toàn tỉnh Hyogo (29,3%), lên tới khoảng 44%. Sau thời kỳ đỉnh điểm khoảng 37.000 cư dân vào thập niên 70, hiện tại chỉ còn chưa đến 20.000 cư dân. Số lượng người cao tuổi sống một mình cũng tăng lên theo từng năm.

Để giải quyết tình trạng này, cư dân Meimai Danchi, chính quyền địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận và các trường đại học địa phương đã hợp tác trong các nỗ lực hỗ trợ cuộc sống của cư dân cao tuổi và phục hồi cộng đồng. Meimai Danchi có một nhóm tình nguyện viên, NPO Himawarikai, bao gồm những người dân, điều hành một dịch vụ giao bữa trưa và bữa tối định kỳ 4 lần/tuần cho những người sống một mình hoặc khó khăn trong đi lại. Khi giao đồ ăn, các tình nguyện viên sẽ kiểm tra sức khỏe của người dân, tìm hiểu các vấn đề họ gặp phải và sẵn sàng hợp tác với Trung tâm hỗ trợ toàn diện cộng đồng khi cần thiết. Hiện tại, có khoảng 100 hộ gia đình đang sử dụng dịch vụ này, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cuộc sống của người dân.

Để thu hút thế hệ trẻ đến Meimai Danchi và tái thiết cộng đồng, tỉnh Hyogo điều hành nhà ở chung cho sinh viên, cung cấp cho sinh viên tại các trường đại học địa phương như Đại học Hyogo phòng ở với giá rẻ, khoảng 20.000 yen (khoảng 131 USD) mỗi tháng. Đổi lại, sinh viên phải tham gia các hoạt động của hiệp hội cư dân để tạo ra kênh giao tiếp giữa các thế hệ cư dân. Sáng kiến này không chỉ tái thiết cộng đồng mà còn mang đến cho sinh viên cơ hội quý giá để tìm hiểu về một vấn đề xã hội địa phương.

Lấy trẻ em làm trọng tâm

Cũng như nhiều chính quyền địa phương khác, Akashi, một thành phố nằm ở phía Nam của tỉnh Hyogo, đã từng phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số do tỷ lệ sinh giảm. Tuy nhiên, kể từ năm 2011, thành phố đã thúc đẩy “xây dựng một cộng đồng lấy trẻ em làm trọng tâm” và tích cực hỗ trợ việc nuôi dạy trẻ. Nhờ các nỗ lực này, tỷ lệ sinh tại Akashi đã tăng lên và mọi người từ những nơi khác đã đến đây an cư lập nghiệp. Nổi bật trong dòng người đổ về Akashi là những người trong độ tuổi 25-39, với nhiều người đến từ thành phố Kobe và tỉnh Osaka lân cận.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, tỷ lệ sinh nói chung của Akashi là 1,63, cao hơn tỷ lệ trung bình toàn quốc (1,33) trong cùng kỳ. Từ năm 2013 đến năm 2023, dân số của thành phố đã tăng hằng năm. Akashi đã chứng kiến sự gia tăng dân số ròng kể từ năm 2013, với số lượng cư dân tăng từ khoảng 290.000 người vào năm 2013 lên khoảng 300.000 người vào năm 2022.

Các trụ cột chính trong chương trình hỗ trợ nuôi dạy trẻ em của Akashi là 5 chương trình miễn phí bất kể thu nhập của cha mẹ. Các chương trình đó gồm chi phí y tế cho trẻ em đến 18 tuổi; chi phí trông trẻ cho trẻ từ 2 tuổi trở lên; chi phí tã lót cho trẻ đến 1 tuổi; phí ăn trưa cho học sinh trung học cơ sở và phí vào cửa tại các cơ sở công cộng.

Theo hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng toàn dân của Nhật Bản, chính phủ chi trả phần lớn chi phí y tế tại các bệnh viện và cơ sở y tế khi bệnh nhân được điều trị bệnh tật hoặc thương tích, và người dân thường phải trả một tỷ lệ nhất định. Tại Akashi, thành phố trợ cấp toàn bộ chi phí y tế cho trẻ em cho đến khi tốt nghiệp trung học cũng như điều trị bên ngoài thành phố.

Chính quyền hỗ trợ học phí mẫu giáo cho những cặp vợ chồng sinh con thứ hai trở đi, với điều kiện trẻ theo học tại các trường mẫu giáo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia cả trong và ngoài thành phố, và những trường do thành phố quy định. Vì lý do tài chính, nhiều cặp đôi không muốn sinh thêm con, do đó, việc giảm đáng kể gánh nặng tài chính cho đứa con thứ hai và những đứa con tiếp theo được kỳ vọng sẽ làm tăng tỷ lệ sinh.

Chi phí giáo dục tăng đối với các gia đình khi trẻ vào trung học cơ sở. Riêng bữa trưa tại trường thường tiêu tốn khoảng 160.000 yen (khoảng 1.050 USD) trong 3 năm học. Để giảm gánh nặng kinh tế cho các gia đình, những bữa trưa này được cung cấp miễn phí cho học sinh.

Một trong năm chương trình miễn phí mang dấu ấn của Akashi là cung cấp tã bỉm trị giá 3.000 yen và sữa hằng tháng cho đến khi trẻ được một tuổi. Chương trình này được thực hiện từ năm 2020 với sự hỗ trợ của những người có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ em, tư vấn cho các cặp vợ chồng trẻ hoặc liên hệ với bộ phận thích hợp của chính quyền thành phố. Không chỉ cung cấp hỗ trợ kinh tế, chương trình cũng kiểm tra định kỳ sức khỏe trẻ sơ sinh và cha mẹ, qua đó góp phần ngăn chặn nguy cơ cô lập và vấn nạn lạm dụng. Nhân viên thành phố định kỳ hằng tháng đến thăm các gia đình có trẻ em từ 3 tháng đến 1 tuổi, cung cấp cho họ các sản phẩm liên quan và tư vấn nuôi dạy trẻ.

Nhằm khuyến khích các gia đình có nhiều thời gian bên nhau, thành phố đã miễn phí vào cửa cho trẻ em tại 4 cơ sở vui chơi công cộng: "Hare-hare" (không gian công cộng dành cho cha mẹ và trẻ em) và Akashi Marine pool (miễn phí cho trẻ em tiểu học hoặc nhỏ hơn), Bảo tàng Văn hóa thành phố Akashi (học sinh trung học cơ sở hoặc nhỏ hơn) và Akashi Municipal Planetarium (học sinh trung học phổ thông hoặc nhỏ hơn).

Quảng trường trẻ em Akashi, mở cửa vào năm 2017, là trụ sở hỗ trợ chăm sóc trẻ em do thành phố cung cấp. Địa điểm này miễn phí cho cư dân thành phố và thu phí 300 yen của những người từ nơi khác đến. Tọa lạc gần ga Akashi, mọi nhu cầu của trẻ em đều có thể được đáp ứng tại một địa điểm tích hợp này. Quảng trường bao gồm một khu vui chơi Hare Hare với đồ chơi và thiết bị cho trẻ em từ trẻ sơ sinh đến học sinh tiểu học; một thư viện dành cho trẻ em với khoảng 10.000 đầu sách; một trung tâm hỗ trợ chăm sóc trẻ em nơi các chuyên gia có chứng chỉ chăm sóc trẻ em hoặc các chứng chỉ khác luôn sẵn sàng phục vụ; một nhà trẻ tạm thời; Akashi Youth Space, một không gian dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tham gia các hoạt động và giao tiếp với nhau; và khu hỗ trợ chăm sóc trẻ em của thành phố.

Một người phụ nữ 35 tuổi đến sân chơi cùng con gái 5 tuổi đã nói rằng: "Tôi rất biết ơn vì thành phố cung cấp một nơi miễn phí để trẻ em có thể vui chơi hết mình”. Cô con gái nhỏ là động lực thúc đẩy gia đình cô chuyển từ tỉnh Osaka đến Akashi. Người phụ nữ này đánh giá cao việc thành phố cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho trẻ em. 

Nhiều gia đình nuôi con nhỏ đã chuyển đến Akashi do các chương trình hỗ trợ thiết thực và hiệu quả. Điều này tạo ra một vòng tuần hoàn lành mạnh khi dân số tăng dẫn đến thu nhập thuế cao hơn cho thành phố. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương thực hiện hỗ trợ riêng của họ cho việc nuôi dạy trẻ em. Một cuộc khảo sát do tờ Yomiuri Shimbun thực hiện vào năm 2023 cho thấy nhiều chính quyền địa phương đã chọn Akashi là hình mẫu khi cân nhắc phát triển cộng đồng.

Thành phố Akashi trở thành nguồn cảm hứng cho các chính quyền địa phương khác tại Nhật Bản khi họ muốn tham khảo cách tăng cường hỗ trợ chăm sóc trẻ em và tăng dân số.

Nguyễn Tuyến - Phạm Tuân - Xuân Giao (Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản)
Tình trạng già hóa 'ông bố' ở Nhật Bản gia tăng cùng nguy cơ bị cô lập
Tình trạng già hóa 'ông bố' ở Nhật Bản gia tăng cùng nguy cơ bị cô lập

Theo tổ chức phi lợi nhuận Fathering Japan, số lượng đàn ông trở thành cha ở độ tuổi từ 40 trở lên đang ngày càng gia tăng ở Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN