Theo đài RT, theo kết quả bỏ phiếu ngày 5/11, Quốc hội Latvia đã thông qua quyết định trên với tỷ lệ 52-27. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ có thể sa thải người lao động không có chứng nhận tiêm chủng.
Theo Bộ Tư pháp Latvia, quyết định trên có đủ căn cứ vì người lao động không đáp ứng yêu cầu công việc. Nhân viên không chịu tiêm vaccine hoặc không chịu làm việc từ xa có thể bị đình chỉ việc không lương.
Nếu người lao động không tuân thủ yêu cầu tiêm chủng trong vòng ba tháng từ khi bị đình chỉ việc, họ có nguy cơ bị sa thải. Ngoại lệ chỉ dành cho người đã mắc và khỏi COVID-19 nhưng cũng phải có bằng chứng.
Luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 15/11 khi Latvia chấm dứt phong tỏa sau gần một tháng áp dụng. Latvia cũng áp dụng lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau với các cơ sở kinh doanh được phép mở cửa.
Tháng trước, Thủ tướng Krisjanis Karins cảnh báo người dân Latvia rằng hệ thống y tế đang lâm nguy và cách duy nhất để thoát khủng hoảng là tiêm chủng.
Tỷ lệ tiêm chủng ở quốc gia 1,9 triệu dân này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình khoảng 75% ở Liên minh châu Âu (EU). Mới 54% người Latvia đã hoàn thành tiêm chủng, trong đó có 63% người trưởng thành.
Trước đó, Latvia đã ban bố tình trạng khẩn cấp có hiệu lực trong 3 tháng, bắt đầu từ ngày 8/11, sau khi số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tăng lên các mức cao kỷ lục. Tỷ lệ lây nhiễm tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Ngày 5/11, Latvia ghi nhận 1.821 ca mắc mới và 43 ca tử vong.
Theo quy định mới, người dân buộc phải đeo khẩu trang trong các tòa nhà công cộng và ngày 15/11 là hạn chót để các công chức chính phủ tiêm vaccine phòng COVID-19. Những người chưa tiêm vaccine chỉ được phép vào các cửa hàng để mua thực phẩm và đồ thiết yếu tại những cửa hàng được chỉ định và chỉ những cửa hàng bán đồ thiết yếu mới được hoạt động vào cuối tuần. Ngoài ra, Chính phủ Latvia khuyến khích tất cả người dân nước này làm việc tại nhà.
Số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện cũng khiến bệnh viện tại Latvia quá tải. Giới chức y tế Latvia cho biết các bác sĩ buộc phải trì hoãn các cuộc điều trị đối với các bệnh nhân có bệnh lý nhẹ trong khi các nhóm y tế khẩn cấp không thể đáp ứng các cuộc gọi.
Mặc dù Latvia là quốc gia mới nhất luật hóa biện pháp xử lý người không tiêm chủng, nhưng có một số quốc gia cũng đã thực hiện chính sách tương tự. Ở Nga, hướng dẫn của giới chức Moskva ban hành hồi tháng 6 quy định rằng chủ lao động có nghĩa vụ đình chỉ nhân viên từ chối tiêm chủng. Lệnh này có nghĩa là người lao động có nguy cơ bị nghỉ việc không lương nếu không có bằng chứng tiêm chủng.
Trong khi đó, ở EU, yêu cầu tiêm chủng nghiêm ngặt trên toàn quốc dành cho người lao động đã khiến người dân biểu tình ở Italy. Gần đây, Pháp và Hy Lạp cũng xảy a biểu tình phản đối hệ thống chứng nhận tiêm chủng COVID-19 “thẻ xanh”.