Tại Anh, ông Zelensky sẽ phát biểu trước các nhà lãnh đạo châu Âu ở Cung điện Blenheim – nơi sẽ diễn ra cuộc họp thảo luận về Ukraine, an ninh và dân chủ châu Âu.
Trước chuyến thăm Anh, Tổng thống Ukraine đã gặp Thủ tướng Anh Keir Starmer vào tuần trước tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Mỹ, nhưng đây sẽ là cơ hội đầu tiên ông gặp gỡ một phái đoàn rộng rãi hơn của chính phủ Anh do Công đảng lãnh đạo.
Hiếm khi các bên xác nhận quá trình sắp xếp chuyến đi của ông Zelensky, nhưng một nguồn tin cho biết “chắc chắn 90%” ông Zelensky sẽ ở đó.
Hội nghị diễn ra vào ngày 18/7 tới là cuộc họp thứ tư của Cộng đồng Chính trị châu Âu - một tập thể được thành lập sau khi Nga đưa quân vào Ukraine năm 2022 và cộng đồng này là sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Với tư cách là chủ nhà, Thủ tướng Starmer sẽ phát biểu tại phiên họp toàn thể khai mạc được tổ chức tại Cung điện Blenheim. Ông sẽ nhấn mạnh cam kết của Anh dành cho Ukraine và Tổng thống Zelensky.
Dự kiến, vấn đề Ukraine sẽ chiếm nhiều thời gian trong cuộc thảo luận toàn thể của các nhà lãnh đạo châu Âu.
Tổng thống Pháp Macron cũng quyết tâm tận dụng cơ hội này để gửi thông điệp ủng hộ mạnh mẽ mà Liên minh châu Âu dành cho Ukraine.
Sau đó, ông Zelensky cũng sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Ireland vào sáng 20/7 và gặp Thủ tướng Ireland là ông Simon Harris.
Ireland là quốc gia có chính sách trung lập về quân sự lâu dài nhưng đang đóng góp viện trợ không sát thương cho Ukraine thông qua EU như rà phá bom mìn. Ireland dự kiến hỗ trợ nhiều hơn cho những nỗ lực của Ukraine nhằm đưa khoảng 20.000 trẻ em về nước. Số trẻ em này đã buộc phải di dời tới Nga và Belarus.
Trước đó, Hội nghị thượng đỉnh NATO cũng dành nhiều thời gian để nói về vấn đề Ukraine. Tại đây, các quốc gia thành viên đã đưa ra những cam kết hỗ trợ vũ khí cho Ukraine cũng như khẳng định con đường gia nhập NATO của Ukraine là không thể đảo ngược.
Sau khi NATO ra tuyên bố chung, ngày 11/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng các văn bản được thông qua trong hội nghị thượng đỉnh NATO xác nhận rằng các quốc gia thành viên phản đối đối thoại và hòa bình. Ông khẳng định NATO là một công cụ đối đầu, không phải là một công cụ an ninh.
Trong khi đó, Trung Quốc đã phản ứng mạnh khi NATO gọi mình là bên có vai trò quyết định trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine và cáo buộc nước này hỗ trợ vật chất, chính trị cho nỗ lực chiến tranh của Nga.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi NATO ngừng can thiệp vào chính trị nội bộ của Trung Quốc, ngừng bôi nhọ hình ảnh của Trung Quốc cũng như ngừng tạo ra hỗn loạn ở châu Á-Thái Bình Dương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm khẳng định Trung Quốc có lập trường công bằng và khách quan về vấn đề Ukraine. Trung Quốc ủng hộ lập luận của Nga rằng việc mở rộng NATO gây ra mối đe dọa cho Nga.