The Guardian: Châu Âu thảo luận điều kiện Ukraine tự động gia nhập NATO

Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ thảo luận về khả năng Ukraine tự động gia nhập NATO nếu Liên bang Nga vi phạm thỏa thuận ngừng bắn trong trường hợp đạt được một thỏa thuận hòa bình, tại cuộc họp khẩn cấp ở Paris vào, ngày 17/ 2.

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) chụp ảnh chung tại hội nghị ở Brussels, Bỉ ngày 22/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết hội nghị thượng đỉnh, theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, dự kiến diễn ra vào chiều 17/2, theo giờ Paris, sẽ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Đức, Vương quốc Anh, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan và Đan Mạch, cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Báo The Guardian của Anh cho biết cuộc họp sẽ tập trung vào các năng lực quốc phòng mà châu Âu có thể cung cấp cho Ukraine nhằm đảm bảo các cam kết an ninh đáng tin cậy. Nội dung thảo luận được cho là còn bao gồm kế hoạch để Ukraine tự động trở thành thành viên NATO nếu Liên bang Nga vi phạm thỏa thuận ngừng bắn một cách rõ ràng.

Đề xuất về việc Ukraine gia nhập NATO trong trường hợp Liên bang Nga phá vỡ lệnh ngừng bắn ban đầu được một số thượng nghị sĩ Mỹ đưa ra và hiện đã nhận được sự ủng hộ từ một số nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb.

Nhà lãnh đạo Phần Lan bày tỏ lo ngại về tham vọng của Liên bang Nga, nhấn mạnh rằng phương Tây không được tạo cơ hội cho những ảo tưởng của Moskva (Moscow) về các khu vực ảnh hưởng. Ông Stubb khẳng định rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải đảm bảo “độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine.

Tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) ngày 16/2, ông Stubb cùng lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác đã tìm cách vạch ra kế hoạch để khối này có thể chuyển từ đối thoại sang hành động và duy trì tầm ảnh hưởng khi Washington đang thúc đẩy chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Kế hoạch mà phía Phần Lan đề xuất gồm 3 giai đoạn: "tiền đàm phán", ngừng bắn và đàm phán hòa bình dài hạn. Ở giai đoạn “tiền đàm phán”, có nội dung tái vũ trang cho Ukraine và áp đặt biện pháp trừng phạt cũng như phong tỏa tài sản của Liên bang Nga để Ukraine có thể bắt đầu các cuộc đàm phán từ vị thế mạnh.

Những diễn biến nêu trên xảy ra sau khi ông Keith Kellogg, Đặc phái viên Mỹ về Ukraine và Liên bang Nga, đã thông báo cho các nhà lãnh đạo châu Âu tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) về chiến lược đàm phán của Mỹ, điều mà Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radosław Sikorski mô tả là “khác thường” và “mang lại hy vọng”.

Dự kiến trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff sẽ đại diện cho Mỹ trong các cuộc đàm phán với quan chức Liên bang Nga tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.

Hãng tin Bloomberg ngày 16/2 dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách để Ukraine đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Liên bang Nga trước Lễ Phục sinh năm nay, tức ngày 20/4.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo The Guardian/Bloomberg/RT)
Nội dung sáu câu hỏi Mỹ gửi đồng minh châu Âu về chấm dứt xung đột Nga-Ukraine
Nội dung sáu câu hỏi Mỹ gửi đồng minh châu Âu về chấm dứt xung đột Nga-Ukraine

Các quan chức Mỹ đã gửi đến các đối tác châu Âu sáu câu hỏi để xem châu Âu có thể cần gì từ Mỹ nhằm giám sát một thỏa thuận an ninh giữa Ukraine và Liên bang Nga nhằm chấm dứt chiến tranh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN