Tại khu vực Đông Nam Á, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Lào, Malaysia, Campuchia, Singapore, Hàn Quốc.
Cụ thể, Lào ghi nhận 358 ca mắc mới COVID-19 và 1 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 23.846 ca, trong đó có 18 ca tử vong. Do số ca mắc tiếp tục tăng, Chính phủ Lào thông báo gia hạn các biện pháp hạn chế thêm 2 tuần nữa, đến ngày 15/10. Bên cạnh đó, những cá nhân, các thực thể pháp lý hay các tổ chức vi phạm quy định phòng chống dịch của nước này sẽ bị truy tố theo các bộ luật và quy định liên quan, tùy từng trường hợp.
Còn Malaysia ghi nhận thêm 12.735 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 2.245.695. Theo Bộ trưởng Nội vụ Hamzah Zainudin, Malaysia vẫn đang ở giai đoạn coi COVID-19 là đại dịch và việc nước này có sẵn sàng chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu hay không dựa trên quyết định của Bộ Y tế. Ông Hamzah Zainudin cho biết Bộ Y tế sẽ tuyên bố khi nào đất nước đã sẵn sàng (cho việc chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu) và khi đó, Cục Di trú cùng Lực lượng Hành động Trung ương (GOF) sẽ sẵn sàng cho việc mở cửa biên giới trở lại. Hiện Malaysia vẫn duy trì lệnh cấm đi lại xuyên bang, chỉ cho phép đi lại xuyên quận và thực hiện “bong bóng du lịch” ở đảo Langkawi đối với những người đã hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19.
Tại Campuchia, nước này có thêm 978 ca mắc mới và 17 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh đến nay lên 112.651 ca, trong đó có 2.319 ca tử vong. Tính từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 trên quy mô lớn ngày 20/2 đến ngày 29/9 vừa qua, đã có 9.898.651 người từ 18 tuổi trở lên (tương đương 98,99% tổng số người trưởng thành ở nước này), được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó 9.406.034 người đã hoàn thành hai mũi tiêm. Bắt đầu từ ngày 11/10 tới, chính quyền thủ đô Campuchia sẽ triển khai tiêm phòng liều tăng cường cho toàn bộ người dân đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 trước đó, với khoảng cách tối thiểu giữa mũi thứ 2 và thứ 3 là 4 tháng.
Singapore cũng ghi nhận thêm 2.268 ca mắc mới COVID-19, cao hơn mức kỷ lục ghi nhận 1 ngày trước đó 32 ca. Như vậy, trong 2 ngày qua, số ca mắc mới tại Singapore liên tục lập mốc cao nhất từ trước tới nay. Tình hình dịch bệnh tại Singapore diễn biến phức tạp trong bối cảnh nước này vừa nới lỏng các hạn chế sau khi được ghi nhận là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao trong khu vực và thế giới, với hơn 80% dân số đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trước tình hình trên, từ tuần này, Singapore đã phải siết chặt lại một số hạn chế, trong đó giới hạn không được tụ tập quá 2 người và yêu cầu người dân làm việc tại nhà.
Tại Hàn Quốc, chính phủ đã kêu gọi người dân nên hạn chế đi du lịch và tụ tập trong 2 ngày lễ sắp tới là Ngày lập nước (3/10) và Ngày sáng tạo chữ Hàn Hangeul (9/10) trong bối cảnh số ca mắc tại Hàn Quốc tăng mạnh sau Trung thu.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đang cân nhắc việc công bố mức giãn cách xã hội áp dụng từ tuần tới, sau cuộc họp Ủy ban đối sách phòng dịch trung ương ngày 1/10. Nhiều khả năng nước này sẽ gia hạn mức giãn cách xã hội hiện nay, do quy mô lây nhiễm vẫn đang ở mức cao sau đợt nghỉ lễ Tết Trung thu và khó để điều chỉnh mức độ phòng dịch một cách vội vàng trước thềm chuyển đổi hệ thống phòng dịch, khôi phục dần đời sống thường nhật cho người dân vào đầu tháng 11 tới.
Hàn Quốc phát hiện thêm 2.564 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất trong các thứ Tư từ đầu dịch. Số ca nhiễm mới đã ở mức 4 con số trong 86 ngày liên tiếp kể từ ngày 7/7.
Tại châu Âu, Nga và Ukraine ghi nhận số ca tử vong và ca mắc tăng mạnh. Cụ thể, Nga ghi nhận thêm 867 ca tử vong do COVID-19 - cao nhất từ trước tới nay, và 23.883 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 7.511.026 ca, trong đó có 207.255 ca tử vong.
Ukraine cũng ghi nhận số ca mắc mới tăng mạnh với 11.757 ca mắc mới. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4 vừa qua, số ca mắc mới tại Ukraine tăng gần 12.000 ca/ngày. Nước này cũng ghi nhận thêm 194 ca tử vong.
Tại Pháp, chính phủ nước này thông báo bắt đầu áp dụng quy định yêu cầu thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên trình chứng nhận y tế khi tới các địa điểm công cộng như nhà hàng, câu lạc bộ thể thao và rạp chiếu phim. Trong 2 tháng qua, người trưởng thành tại Pháp đã phải thực hiện quy định này. Pháp ban hành quy định nói trên nhằm bảo vệ các kết quả phòng chống dịch COVID-19 mà nước này đạt được trong bối cảnh có nhiều lo ngại khả năng số ca nhiễm mới gia tăng khi thời tiết lạnh hơn và có nhiều người tham gia các hoạt động ngoài trời hơn.
Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, từ ngày 1/10 tới, các địa điểm thể thao ngoài trời được phép hoạt động hết công suất, trong khi các địa điểm thể thao trong nhà được phép phủ kín 80% khán đài. Người hâm mộ thể thao sẽ cần giữ khoảng cách 1,5 mét và đeo khẩu trang khi đến xem thi đấu, được phép uống nước nhưng không được mang đồ ăn hoặc hút thuốc lá.
Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh thứ 5 nhanh chóng qua đi trong khi tỷ lệ người tiêm chủng vaccine đạt hơn 77% dân số, chính quyền trung ương và các địa phương của Tây Ban Nha đã nhất trí cho phép các trung tâm thể thao ngoài trời được tăng số lượng người tham gia trong tháng 9 này. Đến nay, Tây Ban Nha ghi nhận hơn 4,95 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 86.397 ca tử vong.
Tại vùng Caribe, các bãi biển và bể bơi ở thủ đô La Habana của Cuba, cũng như đại lộ El Malecon nổi tiếng ven biển, đã mở cửa trở lại sau 9 tháng đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các bãi biển và bể bơi được phép hoạt động 50% công suất nhưng phải đảm bảo thực hiện tất cả các biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, tại các bể bơi và khu vực bãi biển, việc đeo khẩu trang là bắt buộc trừ khi bơi lội. Ngoài ra, chính quyền La Habana cũng cho phép người dân tập thể dục ở những nơi công cộng.
Giới chức Cuba cho biết nước này sẽ mở lại biên giới cho khách du lịch quốc tế từ ngày 15/11 và từng bước mở cửa lại trường học trong tháng 10 và tháng 11. Theo các phương tiện truyền thông nhà nước Cuba, nước này đã có thể mở cửa trở lại sau khi ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 liên tục giảm trong 8 tháng qua cũng như những tiến bộ trong chiến dịch tiêm chủng.
Liên quan tới vaccine ngừa COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ gia hạn cơ chế kiểm soát và có thể hạn chế việc xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 của khối này cho đến cuối năm 2021, thay vì hạn chót vào cuối tháng 9.
Trước đó hồi đầu tuần, Ủy ban châu Âu đã đề nghị gia hạn cơ chế trên. Ban đầu toàn bộ các nước thành viên EU không ủng hộ đề xuất này do chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 được triển khai khá nhanh và không còn tình trạng thiếu vaccine như trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, do chưa chắc chắn về việc đảm bảo các mũi vaccine tăng cường trong bối cảnh các biến thể mới lây lan, nên các nước sẽ phải duy trì một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu.