Thế giới vượt 230,5 triệu ca mắc COVID-19; dịch bệnh tại Đông Nam Á vẫn phức tạp

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 22/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 230.530.424 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.725.824 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 207.255.543 người.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á vẫn phức tạp. Ngày 22/9, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 222 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 210 ca lây nhiễm trong cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đáng chú ý, trong 24 giờ qua, ngoài các tỉnh vẫn ghi nhận số ca nhiễm cộng đồng cao trong thời gian qua như Champasak, Khammuan…, tỉnh Viêng Chăn cũng ghi nhận số ca tăng đột biến với 44 ca cộng đồng. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 19.952 ca, trong đó có 16 người tử vong.

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận thêm 637 ca mới và 14 ca tử vong. Cho đến nay, Campuchia đã phát hiện tổng cộng 105.981 ca mắc COVID-19 và 2.154 ca tử vong. Trước diễn biến dịch khó lường, chính quyền thủ đô Phnom Penh tiếp tục quyết định ngừng hoạt động một số ngành nghề kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 cao cũng như các hoạt động tập trung đông người thêm 14 ngày bắt đầu từ ngày 24/9.

Bộ Y tế Campuchia cũng thông báo sẽ tiêm mũi thứ 3 cho toàn bộ người trưởng thành từ ngày 11/10 tới. Theo đó, người từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm mũi vaccine tăng cường thứ 3, bắt đầu từ thủ đô Phnom Penh. Theo bộ trên, khoảng cách giữa mũi thứ 2 và thứ 3 ít nhất là 4 tháng.

Còn tại Thái Lan, nước này  đã ghi nhận thêm 11.252 ca mắc mới COVID-19 và 141 ca vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca bệnh từ đầu dịch tới nay lên 1.511.357 ca, trong đó có 15.753 ca tử vong. Thái Lan hiện là quốc gia có số lượng người được tiêm chủng ngừa COVID-19 nhiều thứ hai trong ASEAN, với khoảng 43,8% dân số được tiêm chủng ít nhất một mũi.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Thư ký thường trực về sức khỏe cộng đồng Kiattiphum Wongrajit nói rằng COVID-19 dự kiến sẽ trở thành bệnh đặc hữu trong tương lai khi những người bị nhiễm sẽ không còn bị bệnh nặng và số ca mắc mới không cao. Các doanh nghiệp được phép nối lại hoạt động bình thường có thể cân nhắc xét nghiệm cho nhân viên của mình mỗi tuần nếu có nguy cơ nhiễm bệnh tại nơi làm việc.

Trong khi đó, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận theo ngày ở Hàn Quốc tiếp tục vượt mốc 1.700 ca trong ngày thứ hai liên tiếp, mặc dù nước này giảm thiểu tiến hành xét nghiệm trong kỳ nghỉ lễ Trung thu (Chuseok) kéo dài 5 ngày vừa qua. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này đã có thêm 1.720 ca mới, nâng tổng số lên 290.983 ca. Số ca tử vong cũng tăng lên 2.419 người, sau khi có thêm 6 ca mới. Đây cũng là ngày thứ 78 liên tiếp vượt mốc 1.000 ca/ngày. Trước đó, trong ngày 21/9, con số này là 1.729 ca. 

Khu vực đô thị Seoul - nơi 50% trong tổng dân số 52 triệu người của Hàn Quốc sinh sống - hiện là tâm dịch của cả nước, khi ghi nhận tới 77% tổng số ca bệnh. Theo KDCA, có tới 40% trong số này là không thể xác định nguồn lây. Do đó, giới chức y tế đã kêu gọi người dân chủ động xét nghiệm COVID-19 trước và sau kỳ nghỉ lễ Trung thu kéo dài từ ngày 18/9 đến 22/9, để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Seoul, Hàn Quốc ngày 18/9/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Trong bối cảnh khoảng cách tiêm chủng giữa các nước trên thế giới còn lớn, Tổ chức Ân xá quốc tế kêu gọi lãnh đạo các quốc gia và các nhà sản xuất vaccine dành 2 tỷ liều vaccine cho các quốc gia nghèo hơn vào cuối năm nay. Tổ chức này cũng nhấn mạnh rằng hầu hết người dân ở các quốc gia giàu có đều đã được tiêm chủng phòng COVID-19, song nhiều nước thuộc khu vực Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á đã rơi vào những cuộc khủng hoảng mới với "hàng chục nghìn ca tử vong có thể tránh được mỗi tuần". Trong tổng số 5,67 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn thế giới, chỉ có 0,3% ở các quốc gia có thu nhập thấp, trong khi hơn 79% là ở các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập trên trung bình.

Tổ chức trên cũng cảnh báo nguy cơ không thực hiện được mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến cuối năm nay tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 40% dân số các nước thu nhập thấp và dưới trung bình. 

Thống kê của các nguồn tin chính thức cho biết tính đến 16h30 ngày 22/9, trên toàn thế giới đã có  hơn 6 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 được tiêm cho người dân. Trong số này, gần 40% (tương đương 2,18 tỷ liều) được tiêm ở Trung Quốc. Sau đó là Ấn Độ với 826,5 triệu liều và Mỹ với 386,8 triệu liều. Đây là 3 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới.

Trong số các nước có dân số từ 1 triệu người trở lên, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang đứng đầu về tỷ lệ tiêm chủng với 198 liều/100 người và hơn 81% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Tiếp đến là Uruguay với tỷ lệ 175 liều/100 người, Israel - 171 liều/100 người, Cuba - 163 liều/100 người, Qatar - 162 liều/100 người và Bồ Đào Nha - 154 liều/100 người. Trong số những nước này, một số nước đã bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường (mũi thứ 3).

Chú thích ảnh
Hành khách làm thủ tục tại sân bay ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó,  hầu hết các quốc gia nghèo hơn hiện nay cũng đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, trong đó chủ yếu là dựa vào nguồn cung từ cơ chế chia sẻ vaccine COVAX. Ở các quốc gia có thu nhập cao, theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tiêm chủng trung bình ở mức 124 liều/100 người, trong khi tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 4 liều/100 người. Hiện 3 quốc gia trên thế giới chưa thông báo về việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là Burundi, Eritrea và Triều Tiên.

Liên quan đến chiến lược tiêm vaccine, Hội đồng y tế cấp cao của Bỉ đã cho phép tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ ba cho tất cả những người lưu trú trong các viện dưỡng lão và tất cả những người trên 85 tuổi. Quyết định trên được cho là nhằm bảo vệ người dân Bỉ tốt hơn trước mối đe dọa của làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 4.

Chính phủ Bỉ cũng đã quyết định cấp chứng nhận kỹ thuật số về an toàn COVID-19 cho những người có giấy chứng nhận tiêm chủng hợp lệ. Tuy nhiên, trong trường hợp những người này có kết quả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm sàng lọc kháng nguyên COVID-19 dương tính, thì chứng nhận kỹ thuật số của họ sẽ hiển thị màu đỏ trong khoảng 11 ngày. Trong thời gian đó, họ không được phép tham gia các sự kiện cũng như tới các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn

Trong khi đó, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) khẳng định chưa cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) đối với vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi. BPOM khẳng định, đến nay EUA cho loại vaccine này tại Indonesia chỉ dành cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 9/9/2021. Ảnh: Hindustan Times/TTXVN

Cùng ngày, Ấn Độ dự kiến cho phép rút ngắn khoảng cách giữa hai mũi vaccine của hãng AstraZeneca đối với các trường hợp tiêm tự nguyện ở các cơ sở y tế tư nhân. Cụ thể, các bệnh viện tư sẽ có thể cho phép khách hàng tự nguyện của mình tiêm mũi thứ hai vào 4 tuần sau khi tiêm mũi đầu, giảm so với 12-16 tuần hiện nay. Tuy nhiên, đối với những người tiêm theo chương trình của chính phủ, khoảng cách giữa hai mũi tiêm vẫn là 12 tuần.

Ấn Độ đã tăng khoảng cách giữa hai mũi tiêm vaccine của AstraZeneca từ tháng 5 nhằm đảm bảo rằng có nhiều người được tiêm ít nhất một mũi trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm do dịch bùng phát mạnh trong năm nay. Hãng AstraZeneca khuyến cáo mũi tiêm thứ hai nên cách mũi đầu tối thiểu 4 tuần, song cho biết có xu hướng hiệu quả tăng khi quãng thời gian này lâu hơn 4 tuần. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hai mũi vaccine này nên cách nhau 8-12 tuần.

Thanh Hương (TTXVN)
Đức cắt trợ cấp đối với người lao động không tiêm vaccine
Đức cắt trợ cấp đối với người lao động không tiêm vaccine

Từ tháng 11, người lao động Đức không tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ không còn được nhận các khoản trợ cấp vì mất thu nhập trong thời gian phải thực hiện cách ly.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN