Theo Copernicus, với các đợt nắng nóng và hỏa hoạn trên khắp thế giới, nhiệt độ trung bình trong tháng 7 vừa qua cao hơn 0,33 độ C so với mức nhiệt kỷ lục 16,63 độ C thiết lập vào tháng 7/2019 và cao hơn 0,72 độ C so với mức trung bình của tháng 7 giai đoạn 1991-2020. Nắng nóng đã xảy ra ở nhiều khu vực của Bắc bán cầu, trong đó có Nam Âu. Một số quốc gia ở Nam Mỹ và gần Nam cực cũng chứng kiến nhiệt độ cao hơn mức trung bình.
Cũng theo cơ quan trên, mức dự báo nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 có thể là mức cao thứ ba được ghi nhận, theo đó ở mức cao hơn 0,43 độ C so với giai đoạn 1991-2020, cao hơn 0,49 độ C của năm 2016 và cao hơn 0,48 độ C của năm 2020. Mức chênh lệch nhiệt độ giữa năm 2023 và 2016 dự báo sẽ thu hẹp trong những tháng tới, do những tháng cuối năm 2016 tương đối mát mẻ, trong khi những tháng cuối năm 2023 dự báo sẽ tương đối ấm áp khi hiện tượng El Nino xảy ra.
Các nhà khoa học trước đó đã cảnh báo rằng tháng 7 năm nay có thể phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ ghi nhận trước đó.
Các đại dương trên thế giới cũng đã lập kỷ lục nhiệt độ mới trong tháng trước, làm dấy lên lo ngại về tác động dây chuyền đối với các cộng đồng cư dân ven biển và hệ sinh thái biển. Theo dữ liệu của Copernicus, nhiệt độ trung bình trên bề mặt đại dương đã tăng lên 20,96 độ C vào ngày 30/7, vượt mức kỷ lục trước đó là 20,95 độ C vào tháng 3/2016.
Kể từ cuối những năm 1800, thế giới đã chứng kiến nhiệt độ toàn cầu nóng lên khoảng 1,2 độ C, chủ yếu do con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Điều này đã khiến các đợt nắng nóng trở nên khắc nghiệt hơn, kéo dài hơn và diễn ra với tần suất thường xuyên hơn, cũng như làm gia tăng các điều kiện thời tiết cực đoan khác như bão và lũ lụt.