WHO đặt tên dịch bệnh là COVID-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên chính thức cho dịch bệnh do chủng virus Corona mới gây ra là COVID-19. Đánh giá về COVID-19, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết COVID-19 gây hậu quả còn mạnh hơn các cuộc tấn công khủng bố. WHO cũng cảnh báo rằng “còn quá sớm” để nói liệu dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra đã đạt đỉnh hay chưa hoặc khi nào có thể chấm dứt dịch bệnh này.
Bình luận trên được đưa ra sau khi số ca mắc mới bên ngoài tỉnh Hồ Bắc có dấu hiệu giảm trong 11 ngày liên tiếp. Việc điều trị cho bệnh nhân cũng đã ghi nhận những tiến triển. Ngày 14/2, giới chức y tế Trung Quốc thông báo đã có 6.723 bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở nước này đã hoàn toàn khỏi bệnh và được ra viện.
Trong lúc đó, các nhà khoa học đang gấp rút nghiên cứu phương pháp điều trị căn bệnh nguy hiểm này.
Ngày 13/2, một nhóm nghiên cứu từ Trường Y Thượng Hải thuộc Đại học Phúc Đán, phối hợp với Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Thượng Hải, Trung Quốc đã phân lập thành công và giải mã chuỗi gen của virus corona chủng mới từ mẫu phẩm của bệnh nhân. Đây là lần đầu tiên nCoV được phân lập thành công ở Thượng Hải. Việc này sẽ giúp theo dõi đột biến gen của virus trong thời gian thực, cũng như tìm ra thuốc điều trị và thúc đẩy tiến bộ trong nghiên cứu về nCoV.
Theo giới chuyên gia, hầu hết bệnh nhân sau khi khỏi bệnh sẽ sinh ra các kháng thể đặc hiệu chống lại nCoV, có thể tiêu diệt và loại bỏ virus. Trong điều kiện chưa tìm ra vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, việc sử dụng huyết tương của những người đã khỏi bệnh có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.
Cũng trong ngày 13/2, hai nhóm nghiên cứu riêng rẽ, do các nhà khoa học Trung Quốc đứng đầu, cũng đã phân lập thành công chủng virus Corona mới từ mẫu phân của bệnh nhân nhiễm bệnh. Các kết quả trên đã khẳng định các giả thuyết trước đó nói rằng trong phân của bệnh nhân COVID-19 có virus sống. Các nhà khoa học Mỹ, Australia, Nhật Bản, Anh… cũng nỗ lực không ngừng để sớm tìm ra được vaccine thử nghiệm phù hợp chống COVID-19.
Tính đến ngày 14/2, tỉnh Hồ Bắc – nơi bùng phát virus 2019-nCoV hồi cuối tháng 12/2019 - thông báo số ca tử vong do COVID-19 tại tỉnh này tính đã tăng thêm 139 người, nâng tổng số ca tử vong vượt quá con số 1.500 người. Hãng thông tấn Tân Hoa dẫn lại lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc tăng cường nỗ lực để phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, cũng như cải thiện hệ thống quản lý y tế công cộng khẩn cấp.
Phát biểu tại một cuộc họp ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình khẳng định, cuộc chiến chống COVID-19 là phép thử lớn nhất đối với hệ thống quản trị và khả năng quản trị của nước này. Theo ông, điều cần thiết là nghiên cứu và tăng trường công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, cải thiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, cải thiện hệ thống quản lý y tế công cộng khẩn cấp, cũng như cải thiện khả năng đối phó với những tình huống y tế công cộng khẩn cấp lớn.
Báo China Daily thì nhận định chủng virus Corona mới có thể là thách thức lớn, song nó đã giúp người dân khắp nơi đoàn kết ủng hộ đối với nỗ lực chống virus của Trung Quốc.
Ngày 11/2, trên 300 công ty Lào đã ủng hộ số tiền hơn 500.000 USD nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống virus ở Corona. Ông Jiang Zaidong, Đại sứ Trung Quốc tại Lào đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến Chính phủ Lào cùng ban tổ chức sự kiện và phản ứng nhanh chóng từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
Nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế khác cũng đã thể hiện sự đồng lòng với Trung Quốc bằng cách gửi tặng số lượng lớn thiết bị y tế. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết chính phủ nước này sẽ cung cấp hỗ trợ, nếu cần thiết, dưới dạng nhu yếu phẩm như thực phẩm và thiết bị y tế đến tâm dịch Hồ Bắc.
Thủ tướng Campuchia ngày 11/2 cho rằng các biện pháp hạn chế chặt chẽ mà một số quốc gia đang áp dụng để ngăn chặn virus lây lan đã gây phân biệt đối xử và hoảng loạn – hai vấn đề còn “nguy hiểm hơn virus Corona”. Hãng Tân Hoa dẫn lời ông Hun Sen vui vẻ nói khi người dân Campuchia không hề phân biệt đối xử với du khách và nhà đầu tư Trung Quốc: “Trái lại, một số khách sạn ở Siem Reap không chỉ chào đón du khách Trung Quốc mà còn giảm giá cho họ”.
Phó thủ tướng Lào Somdy Douangdy cũng bày sự tin tưởng rằng với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc sẽ sớm chiến thắng cuộc chiến chống dịch bệnh. Điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo tối 11/2, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết phản ứng với dịch bệnh bùng phát chính là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ phối hợp chặt chẽ với Indonesia cùng các quốc gia khác để kiểm soát dịch bệnh trên tinh thần cởi mở và minh bạch. Đáp lại, ông Widodo cho biết tại thời điểm khó khăn đối với Trung Quốc, Indonesia sẽ sát cánh cùng người dân Trung Quốc như một đối tác chân thành.
Chiến thắng của “kẻ ngoại đạo”
Mùa trao giải lần thứ 92 của giải thưởng điện ảnh Oscar sẽ trở nên nhạt nhẽo và lặp lại “vết xe đổ” phân biệt đối xử #OscarsSoWhite của những năm trước nếu như không có chiến thắng vang dội của Parasite – bộ phim đắt khách của đạo diễn người Hàn Quốc Bong Joon-ho.
Vượt lên trên các đối thủ nặng ký hàng đầu của kinh đô điện ảnh Mỹ Hollywood, phim "Parasite" (tạm dịch: Ký sinh trùng) đã giành đến 4 tượng vàng Oscar trong đêm 9/2 bao gồm: “Phim xuất sắc nhất”, “Đạo diễn xuất sắc nhất”, “Phim nước ngoài xuất sắc nhất” và “Kịch bản xuất sắc nhất”.
Bộ phim thuộc thể loại tâm lý xã hội này đã đi vào lịch sử Oscar của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (AMPAS) khi là phim không sử dụng tiếng Anh đầu tiên đoạt giải thưởng Phim xuất sắc nhất. Thật bất ngờ, "Parasite" đã được giới chuyên gia đánh giá cao hơn các đối thủ Hollywood nặng ký như "1917", "Once Upon a Time in Hollywood", "Jojo Rabbit" và "Irishman". Không quá lời khi đánh giá đây là một vụ "big-bang" của nền điện ảnh thế giới, khi lần đầu tiên Hollywood ghi nhận và vinh danh một tác phẩm điện ảnh không dùng tiếng Anh và nằm ngoài "kinh đô điện ảnh" Mỹ.
Thành công của "Parasite" cũng đem về những giải Oscar đầu tiên trong lịch sử 101 năm điện ảnh Hàn Quốc và là lần đầu tiên một phim điện ảnh châu Á giành giải thưởng "Kịch bản gốc xuất sắc nhất" trong 92 năm lịch sử giải Oscar. Cũng là lần đầu tiên sau 17 năm, một tác phẩm điện ảnh nước ngoài giành giải "Kịch bản xuất sắc nhất" sau phim "Talk To Her" của đạo diễn người Tây Ban Nha Pedro Almodovar.
Và Bong Joon-ho là đạo diễn phương Đông thứ hai đạt giải thưởng "Đạo diễn xuất sắc nhất" trong lịch sử Oscar, sau đạo diễn Lý An (Đài Loan, Trung Quốc). Tính đến nay, chỉ có 10 bộ phim nước ngoài khác từng nhận đề cử “Phim xuất sắc nhất” – trong đó có "Amour" và "Life is beautiful" – song chưa từng có tác phẩm nào đoạt giải. Năm 2019, nhiều người đặt kỳ vọng vào bộ phim Roma của đạo diễn Alfonso Cuaron song “Green Book” mới chính là tác phẩm chiến thắng.
Tiêu đề phim "Parasite" mà ông Bong chọn cũng mang hai lớp nghĩa. Khi thuyết phục nhóm tiếp thị sử dụng tên gọi này, ông lý giải: “Vì nội dung phim xoay quanh câu chuyện gia đình nghèo tìm cách xâm nhập vào nhà giàu, nên rất rõ ràng rằng 'Parasite' đề cập đến gia đình nghèo, và tôi nghĩ đó là lý do tại sao đội ngũ tiếp thị có chút do dự. Nhưng nếu bạn nhìn vào nó theo hướng khác, bạn có thể nói rằng gia đình giàu có cũng là ký sinh trùng về lao động. Họ thậm chí không thể rửa bát, họ không thể tự lái xe, vì vậy họ sống nhờ sự lao động của gia đình nghèo. Cả hai đều là ký sinh trùng”.
Qua bộ phim ly kỳ đến nghẹt thở, ông Bong Joon-ho muốn lột tả cuộc sống của những người chỉ thích dựa dẫm vào người khác và lợi dụng triệt để các mối quan hệ để đi lên trong một xã hội phân hóa giàu nghèo sâu sắc như Hàn Quốc. Đích thân ông cũng phải thốt lên rằng: “Bề nổi, Hàn Quốc là một đất nước đẹp và giàu có với K-pop, Internet tốc độ cao cùng công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo ngày càng nới rộng. Đặc biệt, thế hệ trẻ đang phải sống trong tuyệt vọng”.
Trước khi đại thắng Oscar 2020, hiện tượng phim của Hàn Quốc này cũng càn quét các giải thưởng điện ảnh uy tín khác như Liên hoan phim Cannes (Pháp) năm 2019 và Quả cầu Vàng lần thứ 77. “Cành cọ vàng” của "Parasite" ở giải phim nói tiếng nước ngoài được đa phần báo giới quốc tế dự đoán từ sớm bởi tác phẩm rõ ràng vượt trội các đối thủ. Đây là bộ phim Hàn Quốc đầu tiên đạt Palme d'Or và cũng là bộ phim đầu tiên nhận được số phiếu đồng thuận cao kỷ lục từ thời "Blue is the Warmest Colour" năm 2013. "Parasite" cũng gây tiếng vang khi đoạt Quả cầu Vàng cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Ngoài ra, bộ phim gay cấn này cũng nhận được 4 đề cử giải thưởng điện ảnh của Viện hàn lâm Anh lần thứ 73, giành giải Phim hay nhất không dùng tiếng Anh và Kịch bản gốc hay nhất.
Mùa giải Oscar đã khép lại, có thể nói rằng, theo một cách đầy có hậu, không chỉ cho điện ảnh Hàn Quốc, điện ảnh châu Á, mà cả nền điện ảnh Hollywood vốn một thời gian dài tự giam mình vào lối mòn nhàm chán.