Thế giới tuần qua: Tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 76; Căng thẳng ngoại giao do AUKUS

Cam kết chung tay cùng hành động để giải quyết nhiều thách thức toàn cầu tại diễn đàn Liên hợp quốc cùng với những nỗ lực xuống thang căng thẳng giữa liên minh Mỹ-Anh-Australia với Pháp là hai sự kiện thế giới nổi bật trong tuần.

Thông điệp đoàn kết trước các thách thức toàn cầu 

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên khai mạc Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 76 với sự tham gia của hơn 100 nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao trên toàn thế giới Ảnh: THX/TTXVN

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 (21-27/9) là sự kiện đa phương quan trọng, quy tụ nhiều lãnh đạo, nguyên thủ các nước tham dự để cùng chia sẻ quan điểm, tìm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu. Phát biểu trước phiên khai mạc kỳ họp, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá thế giới chưa bao giờ đứng trước nhiều thách thức như hiện nay, nổi bật nhất là đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu cùng với xung đột trên khắp thế giới.

Ông Guterres kêu gọi thực hiện các hành động khẩn cấp, nhất là trong các lĩnh vực phục hồi sau đại dịch, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo bình đẳng giới. Theo Tổng thư ký LHQ, ưu tiên hàng đầu đối với thế giới hiện nay là chấm dứt đại dịch và cộng đồng quốc tế cần hợp tác hiệu quả để sản xuất gấp đôi số vaccine hiện có, để tới giữa năm 2022, khoảng 70% dân số thế giới sẽ được tiêm chủng đầy đủ. Thông điệp này cũng nhận được sự chia sẻ, đồng thuận của lãnh đạo các nước.

Về khủng hoảng y tế do dịch bệnh, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi sự hợp tác của các nước trên toàn thế giới nhằm đối phó với đại dịch khiến hơn 4,7 triệu người trên toàn cầu thiệt mạng. Ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech cho các nước, cùng với đó là khoản hỗ trợ 370 triệu USD cho các chiến dịch tiêm chủng. Tổng thống Mỹ Biden kêu gọi tập trung vào 3 mục tiêu chính: tăng nguồn cung vaccine, tăng nguồn cung oxy để cứu thêm được nhiều bệnh nhân, tăng khả năng xét nghiệm, thuốc và trị liệu và cải thiện khả năng

Lãnh đạo các nước đang phát triển như Philippines, Ghana, Colombia… đề cập đến bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine, kêu gọi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, nhằm hướng đến mô hình phân phối đồng đều để tránh tạo ra các biến thể mới dễ lây lan và nguy hiểm hơn. Miễn dịch toàn cầu đòi hỏi sự đoàn kết, vì vậy các nước không nên tiếp tục tích trữ vaccine.

Về biến đổi khí hậu, Tổng thống Biden gọi đây cuộc khủng hoảng là "không biên giới" và vì thế cần hợp tác quốc tế sâu rộng. Ông khẳng định sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ để tăng gấp đôi các nguồn tài chính công quốc tế nhằm giúp các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố nỗ lực huy động 100 tỉ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến này.

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu qua video thu trước tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển khác trong việc phát triển năng lượng xanh và carbon thấp, và sẽ không xây dựng hoặc tài trợ vốn, tài chính cho các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài. Đây được xem là cam kết rất mạnh tay của Trung Quốc trong nỗ lực chung của quốc tế hướng đến mục tiêu loại nguồn năng lượng than đá tại các nước phát triển vào năm 2030, các nước đang phát triển vào năm 2040.

Nhóm AUKUS tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với Pháp

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh các nước nhóm G7 ở Anh vào tháng 6/2021. Ảnh: AFP

Mỹ, Anh, Australia - ba nước mới ra tuyên bố thiết lập thỏa thuận an ninh ba bên (gọi tắt là AUKUS) - liên tục có các động thái nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ giữa các bên với Liên minh châu Âu, đặc biệt là Pháp, nước bị ảnh hưởng lớn nhất từ AUKUS.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng cấp người Pháp Emmanuel Macron ngày 22/9 đã có cuộc điện đàm đầu tiên sau khi Pháp phản ứng gay gắt trước việc Australia hủy hợp đồng đặt mua tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD để chuyển sang nhận chuyển giao tàu của Mỹ và Anh theo thỏa thuận AUKUS.

Nhà Trắng mô tả cuộc điện đàm kéo dài 30 phút này là “hữu nghị”, với việc hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ thực thi tiến trình "tham vấn sâu rộng... nhằm đảm bảo sự tin cậy". Tổng thống Mỹ và Pháp cũng nhất trí gặp trực tiếp tại châu Âu vào cuối tháng tới, có thể là bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại Rome, Italy, nhằm duy trì động lực quan hệ song phương và khôi phục lòng tin. Về phần mình, Văn phòng Phủ Tổng thống Pháp cho biết Tổng thống Macron sẽ cử đại sứ nước này trở lại Mỹ vào tuần sau.

Cũng là trao đổi, tham vấn liên, nhưng cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson với Tổng thống Macron lại không cho thấy dấu hiệu cải thiện đáng kể nào trong quan hệ Anh-Pháp kể từ khi ra tuyên bố thành lập AUKUS. Ông Johnson là người chủ động điện đàm. Tại đó, nhà lãnh đạo Anh khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Anh – Pháp, muốn cùng Pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong nhiều vấn đề quốc tế phù hợp với các giá trị và lợi ích chung, đặc biệt trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, Ấn Độ - Thái Bình Dương hay chống chủ nghĩa khủng bố.

Về kết quả, Văn phòng Thủ tướng Johnson cho biết hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Anh-Pháp và đồng ý tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau trên toàn thế giới trong chương trình nghị sự chung thông qua NATO và hợp tác song phương. Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống Pháp chỉ thông tin ngắn gọn rằng Tổng thống Macron sẽ chờ đợi những đề nghị cụ thể từ phía nước Anh.

Cuộc khủng hoảng tàu ngầm được xem là giọt nước tràn ly trong quan hệ không êm ả giữa Anh và Pháp sau sự kiện Brexit. Hai bên hiện bất đồng trong một loạt vấn đề, nhất là liên quan đến việc thực thi thoả thuận Brexit, chủ quyền đánh bắt cá của ngư dân Pháp và châu Âu tại các vùng biển của Anh hay phối hợp giải quyết dòng người nhập cư bất hợp pháp từ Pháp vào Anh.

Quan hệ Pháp-Australia được cho là bị sứt mẻ nhiều nhất. Tính đến thời điểm hiện tại, Pháp vẫn chưa có quyết định cử đại sứ quay trở lại Canberra. Phát biểu tại thủ đô Washington (Mỹ) ngày 22/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison thừa nhận đã gọi cho ông Macron nhiều lần nhưng không thành công.

Ông Morrison khẳng định sẽ kiên trì xây dựng lại mối quan hệ với Paris, đồng thời hy vọng vào thời điểm thích hợp các nhà lãnh đạo Australia và Pháp sẽ có các cuộc thảo luận để giải quyết bất đồng. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu có xin lỗi Tổng thống Pháp hay không, ông Morrison khẳng định ông vẫn giữ nguyên quyết định hủy hợp đồng với Paris, với luận điểm đây là quyết định khó khăn nhưng vì lợi ích của đất nước ông sẽ không có lựa chọn nào khác.

Cũng trong ngày 22/9, Tập đoàn Naval của Pháp cho biết sẽ gửi một đề xuất và tính toán chi tiết tới Australia trong vài tuần tới về chi phí mà Canberra phải bồi hoàn do hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm của Pháp. Năm 2016, Australia đã nhất trí mua 12 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel của Tập đoàn Naval với tổng trị giá lên đến 66 tỉ USD.

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Lãnh đạo Pháp và Anh điện đàm
Lãnh đạo Pháp và Anh điện đàm

Ngày 24/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tiến hành điện đàm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN