Thế giới tuần qua: Tổng thống và phe Dân chủ không nhượng bộ, Chính phủ Mỹ vẫn đóng cửa

Sự kiện nổi bật tuần qua là cuộc họp ngày 4/12 giữa Tổng thống Donald Trump và thành viên đảng Dân chủ. Cuộc họp đã kết thúc khi cả hai phía nhất quyết không nhún nhường để đạt đột phá nhằm chấm dứt bế tắc khiến Chính phủ Mỹ đóng cửa trong hai tuần qua.

Theo lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ để chính phủ đóng cửa trong thời gian dài, nhiều tháng hoặc thậm chí vài năm.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Trump cùng phó Tổng thống Mike Pence và lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy sau cuộc họp ngày 4/1. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết Tổng thống Trump xác nhận thông tin mà nghị sĩ Chuck Schumer đưa ra nhưng cũng ca ngợi cuộc họp ngày 4/1 – cuộc họp đầu tiên sau khi đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện. Nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Chúng tôi đã có một cuộc họp hiệu quả và đạt được nhiều tiến bộ”.

Trên thực tế, trong cuộc họp kéo dài 2 tiếng tại Nhà Trắng ngày 4/1, cả hai phía đều cương quyết giữ nguyên quan điểm. Kênh CNN (Mỹ) dẫn hai nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Trump từ chối nhượng bộ trong đề xuất của ông về quỹ 5,6 tỷ USD xây tường biên giới. Trong khi đó, đảng Dân chủ từng đánh giá xây tường biên giới với Mexico là không hiệu quả và lỗi thời.

Tổng thống Trump khẳng định chỉ mở cửa chính phủ khi vấn đề tường biên giới được giải quyết. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh: “Đó là vấn đề an ninh quốc gia. Một vấn đề liên quan khủng bố”.

Về phần mình, đảng Dân chủ cũng rất cương quyết, tuyên bố vấn đề tường biên giới chỉ nên được đề cập một khi chính phủ mở cửa trở lại.

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi nói: “Chúng tôi đã nói rõ với Tổng thống rằng không thể giải quyết vấn đề tường biên giới cho đến khi chính phủ mở cửa”.

Tuy nhiên, bà Nancy Pelosi vẫn ghi nhận tiến triển trong cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 4/1. Bà Pelosi nói: “Bạn định nghĩa thế nào về tiến triển trong một cuộc họp. Có phải đó là khi bạn hiểu hơn về quan điểm của đối phương? Khi bạn loại bỏ được một số giả thiết? Nếu đó là cơ sở để đánh giá thì chúng tôi thực sự đã có vài tiến triển”.

Với những bất đồng hiện nay, Tổng thống Trump công bố sẽ thảo luận thêm với thành viên nội các vào cuối tuần. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết ông đã thiết lập một nhóm hỗ trợ bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen và cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner để thảo luận vào cuối tuần nhằm ra quyết định về bức tường biên giới.

Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh ông và các thành viên đảng Dân chủ có cùng quan điểm muốn Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại.

Thứ chia rẽ Nhà Trắng của Tổng thống Trump và thành viên đảng Dân chủ trong quốc hội là vấn đề ngân sách dành cho bức tường biên giới. Phía đảng Dân chủ cam không muốn tăng ngân sách dành cho công trình mà Tổng thống Trump mong đợi từ thời điểm còn vận động tranh cử năm 2016.

Hiến pháp Mỹ quy định Quốc hội nắm giữ quyền quyết định đối với ngân sách dành cho chính phủ liên bang. Do vậy Tổng thống Trump dự kiến phải đối mặt với nhiều chướng ngại pháp lý nếu ông cố gắng vượt mặt quốc hội để cấp tài chính cho bức tường biên giới. Dự án tường biên giới của Tổng thống Trump dự kiến cần 23 tỷ USD để thi công.

Chú thích ảnh
Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: The Washington Post

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đánh giá việc đóng cửa chính phủ có thể không gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế Mỹ nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì nhiều khả năng sẽ gây tác động mạnh.

Theo khảo sát ý kiến do Reuters/Ipsos thực hiện vào cuối năm 2018, 50% người được hỏi cho rằng Tổng thống Trump chịu trách nhiệm trong việc chính phủ Mỹ đóng cửa một phần. Trong khi đó, 32% người được hỏi lại cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ đảng Dân chủ.

Ngày 3/1, đảng Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện đã thông qua dự luật mở cửa chính phủ Mỹ trong đó bao gồm ngân sách 1,3 tỷ USD dành cho an ninh biên giới đến ngày 8/2. Tuy nhiên, quyết định này thực sự chỉ có hiệu lực khi Thượng viện đo đảng Cộng hòa chiếm đa số thông qua. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell tuyên bố chỉ ủng hộ những phương sách được Tổng thống Trump ủng hộ.

Trong khi đó, ở thời điểm đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số tại Hạ viện trong tháng 12/2018, đề xuất bao gồm chi 5 tỷ USD cho tường biên giới đã được thông qua. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, dự luật này đã "mắc cạn" tại Thượng viện Mỹ. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc Thượng viện Mỹ chủ trương giảm số tiền xây bức tường biên giới.

Một phần tư chính phủ Mỹ đã đóng cửa trong hai tuần qua với hàng nghìn nhân viên không được nhận lương. Tuy nhiên, cuộc họp ngày 4/1 đã không thể thay đổi được tình hình.

Ngày 3/1, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhận định với hãng Fox News: “Nói chung nếu không có tường biên giới thì sẽ không có thỏa thuận nào cả”.

Hà Linh/ Báo Tin tức
Tổng thống Mỹ dọa 'qua mặt' Quốc hội để xây bức tường biên giới
Tổng thống Mỹ dọa 'qua mặt' Quốc hội để xây bức tường biên giới

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/1 cho biết ông có thể sử dụng quyền khẩn cấp để xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico mà không cần Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Đây được xem là động thái đe dọa "qua mặt" các nghị sỹ đảng Dân chủ vừa tiếp quản Hạ viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN