Tổng thống Pháp Macron tái đắc cử
Ngày 24/4, gương mặt Tổng thống mới của nước Pháp đã chính thức lộ diện. Kết quả không nằm ngoài dự đoán: Tổng thống Emmanuel Macron của đảng Nền Cộng hòa tiến bước (LREM) đã tái đắc cử với 59% phiếu ủng hộ.
Tuy số phiếu bầu không cao như nhiệm kỳ trước (66%), nhưng điều quan trọng là ông Macron vẫn đánh bại ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen để tiếp tục làm chủ Điện Élysée trong 5 năm tới. Với kết quả này, ông Macron đã trở thành nhà lãnh đạo Pháp đầu tiên trong 20 năm tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2.
Ngay sau khi kết quả trên được công bố, trước những người ủng hộ tại quảng trường dưới chân tháp Eiffel, Tổng thống Macron nhấn mạnh ông không phải là ứng cử viên của một phe phái nào mà là “Tổng thống của tất cả người dân Pháp”. Đồng thời ông khẳng định sẽ không ai bị bỏ lại phía sau trong nhiệm kỳ 5 năm tới của mình. Ông cũng quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng “một nước Pháp độc lập hơn và một châu Âu mạnh mẽ hơn”.
Theo giới chuyên gia, dù đã đánh bại đối thủ cựu hữu, nhiệm kỳ sắp tới của Tổng thống Macron sẽ gặp không ít khó khăn. Trước hết, thức thức hàng đầu cần xử lý ngay sau cuộc bầu cử là cải thiện sức mua của người dân. Ông Macron cam kết ngay trong hè này sẽ thông qua một đạo luật đặc biệt về sức mua của người dân, đảm bảo ổn định mức giá các mặt hàng thiết yếu và đảm bảo đời sống của các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Thách thức thứ hai chắc chắn sẽ đeo đuổi ông Macron suốt nhiệm kỳ mới, đó chính là vấn đề về khí hậu và môi trường. Trong quá trình tranh cử, ông Macron cam kết bổ nhiệm một thủ tướng chính phủ trực tiếp phụ trách “quá trình chuyển đổi sinh thái cũng như cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu”.
Một vấn đề khác mà ông Macron cần gấp rút xử lý là tiến hành cải cách giáo dục - y tế. Cụ thể, ông Macron phải nghiên cứu tăng lương cho giáo viên từ 10 đến 20%, tăng quyền tự chủ cho các trường học. Ông cũng phải tiếp tục thực hiện cam kết đầu tư vào hệ thống y tế, tăng lương cho nhân viên y tế, đẩy mạnh tiến độ xây dựng các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong 10 năm tới và thúc đẩy việc khám, chữa bệnh từ xa.
Nhìn lại nhiệm kỳ thứ nhất, 5 năm dưới sự chèo lái của Tổng thống Macron, nước Pháp đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Có lẽ chưa có nhiệm kỳ tổng thống nào, Pháp gặp nhiều cuộc khủng hoảng lớn đến vậy, từ phong trào “Áo vàng”, đại dịch COVID-19 và hiện nay là một cuộc xung đột ngay tại lục địa châu Âu. Song, với châu Âu, chiến thắng lần này của Tổng thống Macron - người luôn bày tỏ mong muốn châu Âu trở nên hùng mạnh và đoàn kết hơn trong chính sách an ninh, đối ngoại - đồng nghĩa với việc an ninh châu lục này sẽ được tiếp tục duy trì trong 5 năm tới.
Ông Dominic Waghorn, nhà phân tích của Sky News, nhận định: “Pháp và Ðức vẫn là trụ cột của châu Âu, trong khi ông Macron có thể sẽ tiếp tục đóng vai trò nổi bật trong dẫn dắt châu lục về mặt ngoại giao”.
Nga “khoá van” khí đốt tới Ba Lan, Bulgaria
Nga đã tung đòn đầu tiên trong cuộc đối đầu khí đốt với châu Âu bằng cách dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria. Đây là hai quốc gia đầu tiên bị nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu cắt nguồn cung kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2.
Theo đó, trong tuyên bố ngày 27/4, Tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom (Nga) đã thông báo tới 2 cơ quan năng lượng Bulgargaz (Bulgaria) và PGNiG (Ba Lan) về quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho hai nước này. Công ty cũng nêu rõ quyết định sẽ có hiệu lực cho đến khi các khoản thanh toán được trả bằng đồng rúp theo điều khoản mới.
Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh yêu cầu các quốc gia “không thân thiện” mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank và thanh toán các khoản nhập khẩu khí đốt của bằng đồng nội tệ của nước này. Theo giới chuyên gia, đây vừa là cách giúp Nga củng cố đồng nội tệ, vừa nhằm đáp trả các nước láng giềng châu Âu về các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Andrew Higgins, nhà phân tích về các vấn đề Đông và Trung Âu của thời báo New Yorks, cho rằng sau cảnh báo từ Moskva, những tuần qua, EU vẫn chần chừ trong quyết định chấp nhận quy trình thanh toán mới cho khí đốt Nga. Họ tin rằng Điện Kremlin chỉ đang dùng chiến thuật “khuấy bão trong tách trà”. Song động thái mạnh mẽ của Gazprom dường như đã khiến châu Âu trở nên gấp rút hơn trong việc tìm cách bảo đảm an ninh năng lượng.
Năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu khoảng 40% khí đốt của Nga. Thậm chí, trong khoảng thời gian xung đột nổ ra tại Ukraine, các thành viên EU vẫn mua khoảng 35 tỷ euro năng lượng của xứ bạch dương bất chấp các rào cản tài chính và vận tải. Với sự phụ thuộc này, các chuyên gia cho rằng quyết định của Gazprom sẽ khiến giá năng lượng gia tăng trên toàn thế giới khi EU tìm kiếm nhiên liệu ở những nơi khác. Điều này cũng có thể dẫn đến một khủng hoảng tài chính lớn hơn.
Song tác động tức thời từ hành động của Nga - bước đi mà EU mô tả là vi phạm hợp đồng- không lớn. Ba Lan nhập khẩu khoảng 10 tỉ m3 khí đốt của Nga mỗi năm, con số này với Bulgaria là 3 tỉ m3/năm. Tổng lượng khí đốt hai nước này nhập từ Nga chỉ chiếm khoảng 8% xuất khẩu của Nga sang EU. Hợp đồng mua bán dài hạn Ba Lan ký với Nga sẽ hết hiệu lực vào tháng 12 tới, nên tổn thất doanh thu của Nga cũng không đáng kể.
Ba Lan sẽ bắt đầu nhận khí đốt từ Na Uy từ tháng 10 tới qua tuyến đường ống ngầm dưới biển Baltic. Các trạm tái hóa khí tự nhiên hoá lỏng gần Ba Lan cũng giúp nước này có điều kiện tăng nhập khẩu từ bên ngoài. Trong khi đó, Bulgaria dự kiến sẽ bắt đầu nhập khẩu khí đốt từ Algeria thong qua Hy Lạp vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, nếu Nga tung đòn đóng băng toàn diện nguồn cung khí đốt sang châu Âu, điều này có thể gây ra suy thoái toàn cầu. Nga đang chơi một ván bài khốc liệt hơn và những nước chịu thiệt hại không chỉ là nước bị Moskva trực tiếp ngắt khí đốt, mà còn là những nước đứng bên ngoài.