Thế giới Tuần qua: 'Nóng' câu chuyện bầu cử Thái Lan và Anh loạn nhịp Brexit

Trong tuần qua, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 tại Thái Lan và Hạ viện Anh bỏ phiếu về Brexit là những vấn đề nhận được quan tâm đặc biệt của truyền thông thế giới.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng tiếp nhận hòm phiếu sau khi đóng cửa điểm bầu cử tại Bangkok ngày 24/3. Ảnh: Reuters

Cuộc bầu cử đầu tiên sau 5 năm

Phó Tổng Thư ký Ủy ban Bầu cử Thái Lan Krit Urwongse cho biết Đảng Palang Pracharat (Quyền lực nhà nước nhân dân) thân quân đội đã giành chiến thắng về phổ thông đầu phiếu với 8,4 triệu phiếu bầu. Trong khi đó, đảng đối lập chính Vì nước Thái (Pheu Thai) ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra giành được 7,9 triệu phiếu bầu.

Trang mạng Bloomberg đưa tin, tại một cuộc họp báo ngoài kế hoạch, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) đã công bố kết quả sơ bộ sau khi kiểm 100% số phiếu trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước này kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014.  

Theo nguồn tin trên, Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết 5 chính đảng giành được nhiều phiếu bầu nhất lần lượt như sau: Đảng Phalang Pracharath (8,4 triệu phiếu bầu), Đảng Pheu Thai (7,9 triệu phiếu bầu), Đảng Tương lai mới (Future Forward – 6,2 triệu phiếu bầu), Đảng Dân chủ (3,9 triệu phiếu bầu) và Đảng Bhumjaithai (3,7 triệu phiếu).

Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 74,69%, cao hơn khá nhiều so với thông tin ban đầu là 65%. Tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử năm nay cũng ngang bằng với năm 2011, với khoảng 75% cử tri đi bỏ phiếu.

Đây là kết quả toàn phần (100%) đầu tiên của cuộc bầu cử được công bố. Tuy nhiên, theo EC, kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử sẽ chưa được phê chuẩn vì cơ quan bầu cử cần thời gian xử lý các khiếu kiện liên quan.

Kết quả chính thức cuối cùng của cuộc bầu cử sẽ chỉ được công bố vào tháng 5, sau lễ đăng quang của Nhà vua Vajiralongkorn.

Nhà sử học David Streckfuss tại Khon Kaen (Thái Lan) nhận xét về kết quả đột phá của đảng Future Forward: “Điều thực sự tốt về cuộc bầu cử này và báo trước thuận lợi cho tương lai là khi đảng Future Forward đạt được kết quả tốt trong khi còn khá non trẻ”.

Người Thái Lan bỏ phiếu để lựa chọn nhà lãnh đạo của theo luật bầu cử mới, được đánh giá khá phức tạp khi mỗi lá phiếu của cử tri sẽ được tính là “2 trong 1” dành cho ứng viên và đảng của ứng viên.

Quốc hội Thái Lan bao gồm Hạ viện với 500 ghế và Thượng viện có 250 ghế. Cử tri Thái Lan bỏ phiếu để chọn ra 350 ghế hạ nghị sĩ, còn 150 ghế còn lại quyết định theo danh sách đảng.

Các ứng viên giành được nhiều phiếu nhất ở đơn vị bầu cử sẽ tự động trở thành thành viên quốc hội. Đảng của ứng viên thất bại vẫn có cơ hội giành ghế trong Hạ viện theo danh sách đảng. Quốc hội lưỡng viện gồm 750 thành viên đảm nhận trách nhiệm bầu chọn Thủ tướng.

Theo hệ thống bầu cử mới, khó có khả năng một đảng đơn lẻ giành được đa số phiếu để thành lập chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng hệ thống bầu cử mới này sẽ khiến các đảng nhỏ phải lựa chọn lập chính khủ liên minh.

Các đảng cần phải đảm bảo được 376 ghế để chiếm đa số trong khi đảng Palang Pracharat có khả năng thành lập chính phủ chỉ với 126 ghế ở hạ viện.

Thỏa thuận Brexit lần thứ ba bế tắc

Thủ tướng Anh Theresa May đã phải nhận thất bại thứ 3 liên quan đến Brexit ở thời điểm London đang tiến gần đến viễn cảnh Brexit không thỏa thuận vào ngày 12/4.

Chú thích ảnh
Thủ tướng May phát biểu sau khi nhận thất bại lần thứ ba liên quan tới Brexit. Ảnh: Reuters

Ngày 29/3, các nghị sĩ Anh đã bác bỏ thỏa thuận Brexit của chính phủ đương nhiệm với tỉ lệ với 286 phiếu thuận và 344 phiếu chống.

Phát biểu trước nghị viện sau cuộc bỏ phiếu ngày 29/3, Thủ tướng May nhận định việc thỏa thuận bị bác bỏ là “tiếc nuối sâu sắc”.

Kết quả này đồng nghĩa với việc Anh đối mặt với khả năng rời EU vào ngày 12/4 mà không đạt được thỏa thuận. Chính phủ Anh chỉ có thể tránh viễn cảnh này nếu tham gia đàm phán với EU gia hạn thêm thời gian.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk sau cuộc bỏ phiếu đánh giá rằng các nhà lãnh đạo EU nên gặp gỡ vào ngày 10/4 để bàn luận về Brexit. Hội đồng châu Âu đồng thời cho rằng từ thời điểm này có khả năng cao Brexit không thỏa thuận sẽ diễn ra vào ngày 12/4.

Trong khi đó tại Anh, lãnh đạo Công đảng đối lập – ông Jeremy Corbyn - lại lên tiếng cho rằng Thủ tướng May nên từ chức. Ông Corbyn đồng thời kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử để phá vỡ bế tắc Brexit.

Thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May ba lần không được Hạ viện Anh phê chuẩn đã đặt một dấu hỏi lớn đối với tương lai của cuộc ly hôn giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, Thủ tướng May cũng để ngỏ khả năng bà từ chức nếu các nghị sĩ vẫn phản đối thỏa thuận của bà.

Hà Linh/Báo Tin tức
Châu Âu băn khoăn về quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh Brexit loạn nhịp
Châu Âu băn khoăn về quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh Brexit loạn nhịp

Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc là quốc gia được hưởng nhiều lợi nhất trong thời điểm Brexit vẫn nhập nhằng hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN