Lễ đón Năm mới ‘giảm nhiệt’ do COVID-19
Tuần qua, người dân trên thế giới đã trải qua một đêm Giao thừa và lễ đón Năm mới “yên ắng” chưa từng thấy. Với tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã hạn chế các hoạt động, áp đặt giờ giới nghiêm và kêu gọi người dân đón năm mới ở nhà nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Tại Australia, mặc dù chương trình bắn pháo hoa vẫn được cho phép diễn ra tại thành phố Sydney song chỉ có ít người theo dõi trực tiếp tại chỗ. Các kế hoạch cho phép tụ tập đông người tại Sydney đã bị loại bỏ sau khi ở thành phố này ghi nhận thêm 150 ca nhiễm mới. Ngay từ chiều 31/12 (giờ địa phương), cảnh sát Australia đã có mặt tại bến cảng để ngăn chặn đám đông tụ tập.
Tại Pháp, giới chức chính quyền đã triển khai 100.000 cảnh sát và hiến binh để giải tán các bữa tiệc, cuộc tụ tập đông người. Bộ trưởng Nội vụ nước này Gerald Darmanin cho biết cảnh sát nhận nhiệm vụ thực thi nghiêm ngặt giờ giới nghiêm toàn quốc từ 8 giờ tối tới 6 giờ sáng hôm sau để chống tụ tập trái phép và hiện tượng bạo lực.
Các quốc gia khác cũng đều kêu gọi người dân đón năm mới ở nhà. Người dân chỉ được chứng kiến các sự kiện đánh dấu giờ khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới trên mạng hoặc qua TV. Cụ thể như tại Mỹ, quả cầu đêm giao thừa đã được thả xuống ở Quảng trường Times vào lúc nửa đêm 31/12 nhưng không có hàng trăm nghìn người chứng kiến như mọi năm do chính quyền địa phương ra lệnh đóng cửa Quảng trường và cấm người dân tụ tập. Tương tự, giới chức Italy phát trực tuyến lễ đốt đống lửa khổng lồ tại trường đua xe ngựa cổ Circus Maximus của thành phố Roma. Tại Đài Loan (Trung Quốc), dù giới chức thông báo vẫn tiến hành bắn pháo hoa từ tòa tháp biểu tượng Taipei 101 song vẫn khuyến cáo người dân ở nhà vào đêm Giao thừa.
Tại các quốc gia châu Á cũng đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt như Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, không khí đón Năm mới cũng trở nên đìu hiu hơn. Vì Hàn Quốc vẫn áp đặt các giới hạn nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch COVID-19 nên người dân bị cấm tụ tập. Lễ rung chuông Bosingak tại Seoul bị hủy lần đầu tiên kể từ năm 1953. Giây phút giao thừa tại Nhật Bản năm nay đã không thể trọn vẹn vì thời tiết xấu và COVID-19. Nhiều sự kiện đã phải hủy và các dịch vụ công cộng cũng bị giảm thiểu. Tại Indonesia, chính quyền thủ đô Jakarta đã đóng cửa khoảng 94 tuyến đường và địa điểm công cộng để ngăn đám đông tụ tập và ăn mừng. Cảnh sát cũng đặt 11 chốt an ninh tại vùng ngoại ô để giới hạn việc ra vào thành phố.
Trái ngược với phần lớn các quốc gia có một đêm Giao thừa “lặng lẽ” vì COVID-19, tại một số nơi như New Zealand, Dubai của Các Tiểu Vương Quốc Arab Thống nhất (UAE) hay Vũ Hán (Trung Quốc), người dân có thể ăn mừng Năm mới mà không cần xem qua màn hình điện tử. Đáng chú ý nhất là thành phố Vũ Hán, sau một năm bị đại dịch Covid-19 tàn phá và sống trong phong tỏa nhiều tháng, người dân tại đây đã đổ xuống đường ăn mừng Năm mới. Mặc dù lực lượng cảnh sát xuất hiện dày đặc để kiểm soát chặt chẽ đám đông và liên tục nhắc nhở mọi người phải đeo khẩu trang song nhìn chung không khí buổi lễ diễn ra một cách yên bình và thoải mái. Vũ Hán trong nhiều tháng không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và gần đây đã bắt đầu tiêm vaccine cho người dân.
Anh chính thức “chia tay” Liên minh châu Âu (EU)
Ngày 30/12/2020, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ký chính thức "Hiệp định Thương mại và Hợp tác" - một thỏa thuận hậu Brexit mà hai bên đạt được đúng vào ngày Giáng sinh ngày 24/12 vừa qua.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh Hiệp định mà hai bên đạt được là kết quả của nhiều tháng đàm phán căng thẳng, trong đó EU đã thể hiện sự thống nhất chưa từng có. Đó là một thỏa thuận cân bằng và công bằng, bảo vệ đầy đủ các lợi ích cơ bản của EU và tạo ra sự ổn định cho các công dân và doanh nghiệp.
Sau đó một ngày, cả Hạ viện và Thượng viện Anh đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận lịch sử trên để đưa London rời “mái nhà chung” EU. Về phía EU, thỏa thuận còn chờ Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn. Rất có thể việc này phải chờ đến tháng 2 hoặc tháng 3 năm nay.
Anh rời EU từ ngày 31/1/2020 nhưng hai bên duy trì mô hình quan hệ cũ trong giai đoạn chuyển tiếp cho tới hết năm 2020 để tiến hành đàm phán về quan hệ tương lai. Thỏa thuận lịch sử mà lãnh đạo hai bên vừa ký nói trên quy định quan hệ kinh tế giữa EU và Anh từ sau nửa đêm 31/12/2020 khi thỏa thuận có hiệu lực.
Điểm quan trọng nhất của thỏa thuận là giúp tránh thuế quan và đảm bảo cho thương mại song phương vận hành một cách tốt nhất. Thỏa thuận cũng bao gồm lĩnh vực đánh bắt cá và hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, tư pháp, cảnh sát cùng nhiều lĩnh vực khác.
Kể từ sáng 1/1/2021, hàng rào kiểm soát biên giới và hải quan cứng đã được dựng lên giữa Anh và EU. Hàng hóa qua lại giữa hai bên sẽ phải đối mặt với việc kiểm tra, kiểm soát và những thủ tục hải quan nhất định.