Thế giới tuần qua: Người dân Nga đồng ý thay đổi hiến pháp, Ấn-Trung căng thẳng trên mặt trận mới

Trong tuần qua, việc người dân Nga bỏ phiếu đồng ý thay đổi hiến pháp và Ấn Độ nói không với ứng dụng di động, sản phẩm của Trung Quốc là những vấn đề được quan tâm.

Cử tri Nga ủng hộ thay đổi hiến pháp

Chú thích ảnh
Các địa điểm bỏ phiếu đều tuân thủ quy tắc phòng chống COVID-19. Ảnh: TASS

Theo hãng TASS (Nga), Ủy ban Bầu cử Nga công bố gần 78% số cử tri nước này ủng hộ sửa đổi Hiến pháp, qua đó mở đường để ông Putin tham gia tranh cử tổng thống thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ hiện nay vào năm 2024.

Ngày 3/7, Tổng thống Putin bày tỏ tự tin rằng thay đổi hiến pháp được ủng hộ qua ý nguyện của người dân. Trong một hội nghị trực tuyến, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Những thay đổi này sẽ có hiệu lực. Chính người dân có ý nguyện ủng hộ thay đổi này mà không cần bất cứ thêm thắt nào. Thay đổi hiến pháp có thể khiến nhiều người lo ngại nhưng chỉ có công dân Nga mới ra quyết định”.

Ông Putin cũng đã ký sắc lệnh quyết định ngày 4/7 là thời điểm thay đổi trong hiến pháp Nga có hiệu lực.

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 1/7, hàng triệu cử tri tại các điểm bầu cử được sử dụng khẩu trang và nước rửa tay để phòng tránh lây lan COVID-19. Tại Moskva, nhiều cử tri còn được lựa chọn bầu cử trực tuyến tại nhà.

Ông Putin từng phục vụ 2 nhiệm kỳ Tổng thống Nga từ năm 2000-2008. Trong khoảng thời gian từ 2008-2012, ông Putin giữ vai trò Thủ tướng. Sau đó, ông Putin thắng cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 trong năm 2012. Hiện tại ông đang giữ nhiệm kỳ tổng thống thứ 4.

Ấn Độ nói không với sản phẩm Trung Quốc

Chú thích ảnh
Thủ tướng Narendra Modi đến thăm binh sĩ tại một căn cứ ở khu vưc Nimu. Ảnh: Reuters

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đổ trách nhiệm cho nhau trong cuộc xung đột ngày 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Phía Trung Quốc chưa công bố thương vong trong lực lượng quân đội nước này.

Dư luận Ấn Độ đang theo xu hướng tẩy chay các yếu tố liên quan tới Trung Quốc, từ thực phẩm cho tới công nghệ. Điều này xảy ra sau xích mích ở biên giới ngày 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong.

Ngày 29/6, chính phủ Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng di động của Trung Quốc, bao gồm cả WeChat cùng TikTok. Ấn Độ đưa ra giải thích rằng những ứng dụng này đã truyền thông tin của người sử dụng ra ngoài lãnh thổ nước này và đây là “mối đe dọa tới chủ quyền”.

Ngay sau quyết định của Ấn Độ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Bắc Kinh vô cùng lo ngại về lệnh cấm.

Chính phủ Ấn Độ cũng đang cân nhắc cấm các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE cung cấp thiết bị nâng cấp 5G tại nước này.

Ngoài những phản ứng chính thức này, nhiều công ty Ấn Độ đã tự thể hiện quan điểm. Ngày 25/6, Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạng New Delhi tuyên bố các thành viên của hiệp hội này đang từ chối cho du khách Trung Quốc đặt phòng. Liên đoàn Thương nhân toàn Ấn Độ (CAIT) ngày 17/6 công bố danh sách hơn 450 sản phẩm Trung Quốc nằm trong danh sách bị tẩy chay.

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Narendra Modi đã đến thăm binh sĩ tại một căn cứ ở khu vực Nimu thuộc Ladakh vào ngày 3/7. Tháp tùng Thủ tướng Modi bao gồm Tổng tham mưu trưởng Bipin Rawat và Tư lệnh lục quân Manoj Mukund Naravane.

Tại đây, Thủ tướng Modi nói: “Thời kỳ của chủ nghĩa bành trướng đã kết thúc, hiện tại là thời điểm của phát triển. Lịch sử cho thấy lực lượng bành trướng thường thất bại và buộc phải rút lui”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Hiến pháp sửa đổi của Nga chính thức có hiệu lực
Hiến pháp sửa đổi của Nga chính thức có hiệu lực

Truyền thông nhà nước Nga đưa tin, ngày 4/7, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công bố bản Hiến pháp sửa đổi, sau khi các cải cách đối với luật cơ bản này nhận được sự ủng hộ áp đảo của 77,92% cử tri Nga trong cuộc bỏ phiếu kéo dài 1 tuần kết thúc hôm 1/7 vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN