Thế giới tuần qua: Mỹ-Trung thương chiến căng thẳng, Trung Đông lại 'nóng'

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như căng thẳng tái bùng phát ở Trung Đông liên quan tới Iran là những vấn đề nổi bật thế giới tuần qua.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay John F. Kennedy ngày 16/5. Ảnh: AP

Luẩn quẩn vì chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Mỹ nương tay cho đồng minh

Đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng và chưa cho thấy "ánh sáng cuối đường hầm" khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới liên tiếp áp thuế trừng phạt nhằm vào hàng hóa của nhau.

Ngày 10/5 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chính thức áp đặt mức thuế mới, từ 10% lên 25%, đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer xúc tiến việc áp mức thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ USD của Trung Quốc, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại.

Việc Trung Quốc muốn điều chỉnh một số điểm trong dự thảo thỏa thuận thương mại được hai bên dày công xây dựng sau 10 vòng đàm phán đã khiến Mỹ cáo buộc Trung Quốc "quay lưng" với những cam kết.

Và đến ngày 15/5, tình hình thêm phần căng thẳng khi Mỹ tuyên bố "cấm cửa" nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới Huawei (Trung Quốc). Ông Scott Kennedy tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington nhận định: “Đây là thách thức lớn đối với Trung Quốc”.

Kênh CNN (Mỹ) cho biết từ lâu Chính quyền Washington cho rằng sản phẩm của Huawei là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ và có thể là công cụ do thám của Bắc Kinh. Trung Quốc một mực phản đối cáo buộc này.

Đầu năm nay, chính quyền Tổng thống Trump còn kiện Huawei, cho rằng công ty này ăn trộm bí mật thương mại của T-Mobile (Đức) và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Ngoài ra, Tổng thống Trump còn ký lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông từ những nguồn chính phủ đánh giá là mối đe dọa an ninh quốc gia. Điều này dường như có chủ đích nhắm đến Trung Quốc và Huawei vốn đang đầu tư đẩy mạnh mạng 5G.

Ông Paul Triolo tại công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group (Mỹ) nhận định rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không duy trì đàm phán thương mại nếu cảm thấy sự thù địch từ Mỹ. Ngoài ra, ông Triolo cho rằng nếu đàm phán tiếp diễn, Trung Quốc sẽ không nhượng bộ Mỹ, đặc biệt đối với vấn đề công nghệ.

Chú thích ảnh
Huawei lại trở thành trung tâm trong tranh chấp thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: Reuters

Trong khi chưa tìm được lối thoát trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Trump đã xoa dịu căng thẳng kinh tế với một số đồng minh bằng việc dỡ thuế nhôm, thép nhập khẩu từ Canada và Mexico, đồng thời hoãn áp thuế với ô tô của Nhật Bản và châu Âu.

Ngoài ra, Mỹ và Canada cũng khẳng định phối hợp để ngăn chặn khả năng thép và nhôm rẻ tiền thâm nhập Bắc Mỹ. Hãng thông tấn AP cho rằng điều này nhắm tới Trung Quốc, vốn bị cáo buộc tuồn vào thị trường thế giới kim lo  ại được bảo hộ với giá rẻ và gây tổn thất cho các nhà sản xuất Mỹ.

Cùng ngày 17/5, Nhà Trắng cũng thông báo Tổng thống Trump quyết định hoãn áp dụng thuế đối với ô tô nhập khẩu từ nước ngoài trong vòng 6 tháng, giúp các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản và châu Âu thở phào.

Trong năm 2018, Mỹ đã nhập khẩu số ô tô trị giá 192 tỷ USD và 159 tỷ USD phụ tùng xe hơi. Nhà Trắng cho biết Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho rằng ô tô và các bộ phận xe hơi nhập khẩu là mối đe dọa với an ninh quốc gia. Tổng thống Trump quyết định trì hoãn ra quyết định áp đặt thuế với xe hơi nhập khẩu trong 180 ngày để các nhà đàm phán có thêm thời gian.

Chú thích ảnh
Xe hơi tại một cảng ở Đức, chuẩn bị cho xuất khẩu. Ảnh: AP

Tại Washington, nhiều quan chức đã đề nghị Tổng thống Trump nhân thời cơ “hạ nhiệt” về thương mại với các đồng minh để cứng rắn hơn trước Trung Quốc.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 17/5, Trung Quốc đã rắn giọng hơn với Mỹ khi hàm ý rằng việc nối lại đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ vô nghĩa nếu Mỹ không thay đổi lập trường.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhấn mạnh Trung Quốc ủng hộ giải quyết tranh chấp với Mỹ qua đối thoại nhưng “vì một số vấn đề mà phía Mỹ đã thực hiện trong các đàm phán thương mại trước cần thì để sự kiện này có ý nghĩa Washington cần thể hiện chân thành”.

Mỹ lại "căng" với Iran

Khi căng thẳng Mỹ-Iran trong thời điểm trên đà leo thang, ngày 15/5, Mỹ thông báo sơ tán một bộ phận nhân viên tại Đại sứ quán ở Baghdad và lãnh sự quán ở Erbil thuộc Iraq. Ngày 17/5, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln cũng đã đến Biển Arab.

Chú thích ảnh
Nhân viên hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln kiểm tra thiết bị khi ở trên Biển Arab. Ảnh: AP

Trước đó vào ngày 5/5, khi thông báo về việc điều động hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton trực tiếp đề cập đến Iran. Tuy nhiên, câu hỏi chính vẫn chưa có lời giải đáp là “mối đe dọa mới” xuất phát từ Iran như Mỹ đánh giá, chính xác là gì?

Một số quan chức Mỹ cho biết Iran đã đưa tên lửa lên các tàu nhỏ hoạt động trong lãnh hải quốc gia này và nhận định đây có thể rủi ro đối với quân đội các quốc gia phương Tây hoặc tàu biển thương mại. Đến ngày 12/5, xuất hiện hình ảnh tàu chở dầu bị hư hại do bị tấn công ngoài khơi thành phố Fujairah - Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (video dưới, nguồn: RT).

Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất cho biết có 4 tàu chở dầu chịu tổn thất trong vụ việc, với 2 chiếc của Na Uy và 2 chiếc của Saudi Arabia. Khi chi tiết về vụ việc chưa được công bố rõ ràng, một số quan chức Mỹ đã bày tỏ nghi ngờ với Iran.

Một số nhà phân tích đánh giá động thái cử tàu sân bay và máy bay ném bom B-52 tới Trung Đông là chủ đích của Mỹ gây sức ép với lãnh đạo Iran để chấp nhận đề nghị từ Tổng thống Trump về đàm phán trực tiếp. Ông Mark Dubowitz tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ (Mỹ) nhận định rằng đây là “chiến tranh tâm lý”.

Trong khi đó, nhiều thành viên quốc hội và các quốc gia đồng minh của Mỹ tỏ ra lo ngại về viễn cảnh Mỹ xung đột vũ trang với Iran.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan và một số quan chức khác theo lịch trình vào ngày 21/5 sẽ phát biểu trước Thượng viện về vấn đề Iran.

Ngày 17/5, Tổng thống Trump đã phàn nàn về thông tin truyền thông đưa liên quan tới Iran. Nhà lãnh đạo Mỹ nói “họ đã nêu nhiều thông điệp sai lầm”. Ngày 16/5, Tổng thống Trump nhấn mạnh ông hy vọng Mỹ sẽ không sa vào một cuộc chiến tranh với Iran. Trước đó một ngày, nhà lãnh đạo Mỹ đăng trên mạng xã hội Twitter: “Tôi chắc chắn rằng Iran sẽ sớm đối thoại”.

Cùng ngày 17/5, một quan chức Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố các tên lửa của nước này có thể dễ dàng vươn tới các chiến hạm trên Vịnh Ba Tư và nhiều nơi khác ở Trung Đông.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran bắt đầu “bùng cháy” từ năm 2018 khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương đạt được với Iran năm 2015. Mới đây nhất, Washington đã liệt lực lượng IRGC của Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố, đồng thời xóa bỏ lệnh miễn trừ trừng phạt đối với một số nước mua dầu mỏ từ Tehran. Đây được coi là bước đi nhằm bóp nghẹt hoạt động xuất khẩu dầu khí của Iran.

Đáp lại, Iran cũng liệt các lực lượng quân đội Mỹ ở Trung Đông vào diện khủng bố. Trong một bước đi khiến dư luận quan ngại, Chính quyền Tehran tuần trước đã rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, đồng thời tuyên bố để ngỏ khả năng nối lại hoạt động làm giàu urani.

 

Hà Linh/Báo Tin tức
Cuộc chiến pháp lý giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ về hồ sơ thuế của Tổng thống D.Trump 'tăng nhiệt'
Cuộc chiến pháp lý giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ về hồ sơ thuế của Tổng thống D.Trump 'tăng nhiệt'

Ngày 17/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã từ chối thực hiện một trát yêu cầu công khai các hồ sơ thuế của Tổng thống Donald Trump cho Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN