Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Syria
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã thống nhất thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 5 ngày trong chiến dịch của Ankara tại Đông Bắc Syria nhằm tạo điều kiện để người Kurd có đường rút quân.
Quyết định này được đưa ra sau cuộc đàm phán giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tại Ankara ngày 17/10.
Thổ Nhĩ Kỳ đã điều binh sĩ vượt biên giới đến Syria từ ngày 9/10. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cảnh cáo sẽ “xóa sổ” Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) khỏi khu vực biên giới. Ankara coi YPG là nhóm khủng bố.
Ankara đặt tên cho chiến dịch là “Mùa xuân Hòa bình” và chủ trương đưa 3,6 triệu người Syria tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi hương.
Lệnh ngừng bắn đồng nghĩa với việc lực lượng người Kurd có 5 ngày để rút quân khỏi khu vực. Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhận định quyết định ngừng bắn ngày 17/10 là “điều tuyệt vời’.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh những nỗ lực nhằm giảm căng thẳng tại Đông Bắc Syria và bảo vệ người dân thường.
Dưới đây là video thị trấn biên giới Syria Kobane yên ắng ngày 18/10 khi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng bắn (nguồn: RT)
Tuy nhiên, phóng viên của kênh CNBC (Mỹ) tại hiện trường cho biết họ vẫn nghe thấy tiếng đấu súng, lựu đạn nổ tại thị trấn biên giới Ras al-Ayn của Syria vào ngày 18/10.
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cùng ngày 18/10 cáo buộc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không có dấu hiệu tạm ngưng hoạt động.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 18/10, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bác bỏ cáo buộc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không tuân thủ lệnh ngừng bắn. Ông Erdogan cho biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì hiện diện trong khu vực để đảm bảo lực lượng người Kurd đã rút lui và động thái này tuân thủ theo lệnh ngừng bắn.
Về vấn đề lựa chọn ngừng bắn trong 5 ngày, CNBC đánh giá khoảng thời gian này trùng khớp với thời điểm Tổng thống Erdogan dự kiến gặp Tổng thống Vladimir Putin tại Nga.
Thủ tướng Anh kỳ vọng vào Brexit mới
Thủ tướng Anh Boris Johnson hy vọng được Nghị viện ủng hộ thỏa thuận Brexit mới sau khi người tiền nhiệm của ông là Theresa May đã 3 lần thất bại với kế hoạch Brexit.
Vào đầu tuần này, Thủ tướng Boris Johnson đã thực hiện được điều tưởng chừng bất khả thi khi đảm bảo được thỏa thuận Brexit mới từ Liên minh châu Âu (EU). Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh EU ngày 17/10, lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã thông qua thỏa thuận Brexit mới.
Ngày 19/10, thay vì bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit vừa đạt được, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu nhất trí hoãn phê chuẩn thỏa thuận Brexit tới ngày 31/1/2010, khiến khả năng nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đúng hẹn 31/10 dường như rất khó xảy ra.
Theo trang euronews, đây là thất bại nữa với Thủ tướng Anh Boris Johnson, người chủ trương quyết tâm đưa Anh rời mái nhà EU một cách trật tự vào ngày 31/10. Dù vậy, ngay sau kết quả bỏ phiếu của Hạ viện, Thủ tướng Anh Johnson tuyên bố ông sẽ không yêu cầu các nhà lãnh đạo EU gia hạn thời hạn chót cho Brexit và tuần tới sẽ đề nghị các nhà lập pháp Anh nhóm họp trở lại để bỏ phiếu về thỏa thuận này.
Với kết quả 322 phiếu ủng hộ và 306 phiếu chống, Hạ viện Anh thông qua luật sửa đổi buộc Thủ tướng phải yêu cầu lùi Brexit tới ngày 31/1/2020. Phản ứng trước kết quả trên, ông Boris ám chỉ ông có thể phớt lờ luật này.
Thủ tướng Boris phát biểu trước Quốc hội: “Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội có một cuộc bỏ phiếu đúng nghĩa. Cuộc bỏ phiếu đã không còn ý nghĩa. Tôi không bị khuất phục vì kết quả đặc biệt này. Điều tốt nhất cho Vương quốc Anh và toàn bộ châu Âu là chúng ta sẽ rời đi với thỏa thuận mới này vào ngày 31/10 tới. Tôi sẽ không đàm phán về việc trì hoãn với EU. Trì hoãn thêm sẽ là điều tồi tệ với quốc gia này”.
Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn tuyên bố: “Hôm nay là ngày lịch sử của Quốc hội. Các nghị sĩ sẽ không bị Thủ tướng tống tiền. Tôi mời ông ấy đến đây để suy nghĩ cẩn thận về những điều ông ấy nói”. Ông Corbyn nhấn mạnh cảnh báo Thủ tướng Boris không nên phá luật.