Phương Tây đồng loạt nghi Nga tấn công mạng
Hà Lan ngày 4/10 thông báo đã ngăn chặn một cuộc tấn công mạng vào văn phòng của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) ở Hague trong tháng 4 vừa qua. Ở thời điểm đó, OPCW đang trong quá trình điều tra về vụ tấn công cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal và con gái ông tại Salisbury (Anh) từ tháng 3. Bên cạnh đó, OPCW còn nghiên cứu thành vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Douma, Syria ngày 7/4.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan cho biết đã trục xuất 4 công dân Nga là nghi phạm tấn công mạng nhằm vào OPCW. Những công dân Nga mang hộ chiếu ngoại giao này đã đến Hà Lan ngày 10/4. Đến 13/4, lực lượng chức năng Hà Lan bắt giữ họ tại khách sạn nằm gần trụ sở của OPCW với các thiết bị do thám. Hà Lan sau đó đã trục xuất 4 công dân Nga này.
Hà Lan còn công bố bản sao hộ chiếu của 4 công dân Nga bị trục xuất, những người này có tên Alexey Minin, Oleg Sotnikov, Evgenii Serebriakov và Aleksei Morenets, đều trong độ tuổi 30 và 40.
Australia, New Zealand và Canada cũng lên tiếng ủng hộ các đồng minh về thông tin cáo buộc Nga tấn công mạng của OPCW.
Cùng ngày 4/10, Anh công bố đánh giá của Trung tâm An ninh mạng Quốc gia (NCSC), cáo buộc rằng tin tặc tại cơ quan tình báo quân sự Nga GRU đã tấn công mạng Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) Mỹ năm 2016, hệ thống máy tính của Bộ Ngoại giao Anh cũng như Phòng thí nghiệm Công nghệ Khoa học và Quốc phòng Anh.
NCSC còn cho rằng nhiều nhóm tin tặc bao gồm APT28, Pawn Storm, Sandworm, Fancy Bear và Sofacy Group đều có liên quan tới GRU.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh ngày 4/10 thậm chí đã sử dụng từ ngữ rất mạnh để nhận định về động thái của Nga. Ông Gavin Williamson nói: “Đây là hành động của một quốc gia bất hảo”.
Ngày 4/10, Mỹ truy tố 7 công dân Nga với cáo buộc họ tấn công mạng và trộm dữ liệu từ Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) trong năm 2017. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố Nga phải trả giá về hành động của quốc gia này.
Ngày 3/10, Thủ tướng Australia Scott Morrison đánh giá rằng cơ quan tình báo tại Canberra phát hiện bằng chứng về “hoạt động mạng hiểm ác” do Moskva thiết kế.
Trong một diễn biến khác cùng ngày 4/10, tòa án tại Na Uy đã kéo dài thời hạn 2 tuần giam giữ công dân Nga Mikhail Bochkaryov tình nghi do thám quốc hội đất nước Bắc Âu này. Nga trong khi đó tuyên bố Mikhail Bochkaryov là một nhân viên quốc hội nước này và yêu cầu Na Uy chấm dứt cáo buộc vô lý.
Nga nhấn mạnh tính phi lý
Tờ Kommersant dẫn lời cựu nhân viên tình báo Pyotr Suslov đánh giá: “Nga là một thành viên OPCW vì vậy có quyền tiếp cận chính thức dữ liệu của cơ quan này. Tôi không hiểu nổi việc ở gần trụ sở OPCW thì gây ra điều đáng lo gì. Thật kỳ lạ, đơn vị tình báo không hoạt động kiểu như vậy”.
Nhiều nhà ngoại giao Nga cho rằng hàng loạt cáo buộc Moskva tấn công mạng xuất hiện trong một ngày từ nhiều nơi khác nhau không đơn giản là sự trùng hợp mà là động thái có “phối hợp”.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev chia sẻ với tờ Izvestia rằng cáo buộc Moskva tấn công mạng cơ quan phòng chống doping thế giới và OPCW nằm trong kế hoạch của phương Tây để duy trì “chủ đề mối đe dọa Nga”.
Ông Konstantin Kosachev nhận xét: “Khó có thể hiểu được quy luật đằng sau điều này nhưng tôi cho rằng có kế hoạch phối hợp để duy trì cái gọi là ‘mối đe dọa Nga’. Kế hoạch này mang kẽ hở cần được bồi đắp bằng thông tin. Do vậy một số câu chuyện từ quá khứ đã được sử dụng, những câu chuyện không dựa trên sự thật trong khi Nga lại không có cơ hội phản hồi”.
Kênh RT đã dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga: “Trong những năm qua, phương Tây đã nổi lên ảo tưởng về ‘gián điệp mạng quyền năng Nga’. Trong mắt các chính khách phương Tây, bất cứ công dân nào trong nước Nga sở hữu thiết bị di động có thể coi là gián điệp”.