Thế giới tuần qua: Khủng hoảng Ukraine chưa giảm nhiệt; loạt nước châu Âu nới lỏng hạn chế COVID-19

Tình hình Ukraine chưa có dấu hiệu tìm được giải pháp gỡ rối và nhiều nước châu Âu cùng đi theo con đường nới lỏng hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 là những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong tuần qua.

Nga rút quân, Đông Ukraine "căng" tiếng súng

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine tại Popasna, vùng Luhansk thuộc Đông Ukraine. Ảnh: AP

Nga đã tuyên bố rút một phần binh sĩ khỏi khu vực biên giới với Ukraine sau khi hoàn tất tập trận nhưng phía Mỹ và phương Tây vẫn lên tiếng cảnh báo về cái gọi là “Nga xâm lược”.

Ngày 15/2, Nga tuyên bố điều một phần binh sĩ trở lại căn cứ sau khi hoàn thành các cuộc tập trận ở Crimea. Cùng ngày, phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá việc Nga rút quân sẽ là điều tốt nhưng ông chưa thấy bằng chứng của động thái này.

Đến ngày 18/2, ông Biden lại nói rằng có thể Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có quyết định xâm lược Ukraine. Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời nói rằng cánh cửa dành cho ngoại giao vẫn được mở.

Nhà Trắng vào ngày 18/2 cũng thông báo rằng lãnh đạo Mỹ và những người đồng cấp tại châu Âu bao gồm Anh, Pháp, Đức, Italy, Ba Lan, Romania, đã tái khẳng định ủng hộ của hộ với “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” đồng thời cảnh báo Nga về việc “xâm lược” nước láng giềng Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từng nhận định: “Mỹ đang leo thang căng thẳng. Chúng tôi hiện theo dõi các động thái của Mỹ với lo ngại lớn”. Nga đã bác bỏ các cáo buộc liên quan đến “xâm lược Ukraine” và cho rằng phương Tây đang làm trầm trọng thêm tình hình”.

Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov cùng ngày 18/2 nhấn mạnh Kiev không có kế hoạch dùng vũ lực để lấy lại khu vực do lực lượng ly khai ở miền Đông quản lý. Ông Danilov cũng nói rằng Ukraine sẽ duy trì phương thức hòa bình trong việc xoa dịu cuộc khủng hoảng.

Dưới đây là video xe quân sự Ukraine hướng đến biên giới giữa nước này và Belarus ngày 18/2 (nguồn: RT):

Ngày 17/2, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã công bố báo cáo về tình hình ở khu vực miền Đông Ukraine với ghi nhận số vụ vi phạm lệnh ngừng bắn gia tăng đáng kể ở Donetsk và Lugansk.

Hai nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) vào ngày 18/2 tuyên bố sẽ tổ chức sơ tán người dân thường đến Nga trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Donbass.

Ngày 19/2, khoảng 25.000 cư dân của LPR và 6.500 cư dân DPR đã sơ tán tới vùng Rostov, miền nam Nga, trong nỗ lực tránh leo thang bạo lực ở Donbass. Tổng thống Nga Putin đã chỉ đạo hỗ trợ cho mỗi người sơ tán 10.000 ruble, đồng thời cung cấp chỗ ở, thực phẩm cho họ.

Hãng TASS đưa tin rằng tình hình ở Đông Ukraine nóng lên từ sáng 17/2. DPR và LPR đều cáo buộc quân đội Ukraine tiến hành bắn phá dữ dội nhất trong những tháng gần đây. Theo dữ liệu của lực lượng vũ trang DPR, quân đội Ukraine đã khai hỏa vào khu vực này đến 30 lần kể từ 18/2.

Trong khi đó, chính quyền Ukraine đã bác bỏ thông tin về việc thực hiện các chiến dịch tấn công tại Donbass. Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đảm bảo rằng Kiev cam kết hoàn toàn với “giải quyết chỉ bằng ngoại giao”.

Chú thích ảnh
Người dân trong chiếc xe buýt sơ tán tại thành phố Donetsk, Ukraine. Ảnh: Reuters

Trong một diễn biến khác, Nga đã trục xuất Phó Trưởng phái bộ ngoại giao Mỹ tại Moskva Bart Gorman. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov vào ngày 18/2 tuyên bố động thái này là biện pháp trả đũa trước khiêu khích. Trước đó một ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova xác nhận ông Gorman đã được đề nghị rời Nga và đây là động thái trả đũa việc trục xuất vô cớ một cố vấn tại Đại sứ quán Nga ở Washington DC (Mỹ).

Bộ Ngoại giao Nga vào ngày 17/2 đã có phản ứng về việc Mỹ đáp lại các đề xuất an ninh từ Moskva. Theo đó, Nga nhấn mạnh cần giảm tình hình căng thẳng leo thang liên quan đến Ukraine bằng cách buộc Kiev tuân thủ thỏa thuận Minsk. Moskva đồng thời khuyến khích phương Tây từ chối hợp tác quân sự với Ukraine. Bên cạnh đó, Nga cũng yêu cầu Mỹ rút binh sĩ khỏi Trung Âu, Đông Âu và Đông Nam châu Âu.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vào ngày 19/2 nhận định Nga hiểu rằng khối quân sự này không thể đáp ứng đề nghị của Moskva bao gồm rút lực lượng khỏi một số quốc gia ở Đông Âu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy có lịch trình gặp gỡ Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Tổng thư ký NATO Stoltenberg và một số lãnh đạo châu Âu khác tại Hội nghị An ninh Munich vào ngày 19/2.

Nhiều quốc gia châu Âu nới lỏng hạn chế dịch COVID-19

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang khi di chuyển trên đường phố Amsterdam (Hà Lan). Ảnh: AP

Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ, Áo cùng Đức đều đã công bố lộ trình giảm hoặc loại bỏ một số biện pháp phòng dịch COVID-19 bất chấp biến thể Omicron vẫn lây lan.

Vào ngày 16/2 vừa qua, các câu lạc bộ đêm tại Pháp đã mở cửa lần đầu tiên sau 3 tháng trong khi Hà Lan dự kiến quay trở về cuộc sống “gần như bình thường” từ 25/2.

Tờ Guardian (Anh) dẫn lời người phát ngôn chính phủ Pháp Gabriel Attal bổ sung rằng các hạn chế phòng dịch có thể được gỡ bỏ “theo lịch trình” nhưng người dân Pháp cần duy trì cẩn trọng và kiềm chế.

Pháp dự kiến loại bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian công cộng kín cũng như ngừng việc phải trình “hộ chiếu vaccine” tại nhà hàng, rạp chiếu phim và phòng tập từ 28/2. Tuy nhiên, quy định hiện hành với phương tiện công cộng và các cửa hàng vẫn được giữ nguyên.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran vào ngày 16/2 cũng đề cập rằng mọi quy định còn lại liên quan đến khẩu trang có thể được gỡ bỏ trong thời gian tới và “hộ chiếu vaccine” cũng được nới lỏng đáng kể từ giữa tháng 3 bởi “số ca mắc mới tiếp tục giảm”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Hà Lan Ernst Kuipers cho biết các quán bar và câu lạc bộ đêm tại nước này được mở cửa đến 1 giờ sáng từ 18/2 và mọi hạn chế đối với giờ mở cửa sẽ được gỡ bỏ từ 25/2. Hà Lan dự kiến không còn áp dụng quy định đeo khẩu trang tại nhiều địa điểm và những người mắc COVID-19 sẽ được giảm thời gian cách ly xuống còn 5 ngày.

Bộ trưởng Kuipers cũng khẳng định rằng mặc dù Hà Lan dường như đã qua mức đỉnh và áp lực đối với các bệnh viện nằm trong tầm kiểm soát nhưng dịch COVID-19 chưa kết thúc. Ông nói: “Chúng ta có thể lạc quan nhưng cũng phải thực tế”.

Chú thích ảnh
Một phụ nữ tiêm vaccine COVID-19 tại Dresden (Đức) vào tháng 12/2021. Ảnh: AP

Áo và Thụy Sĩ cùng ngày 16/2 cũng tuyên bố sẽ bỏ hầu hết các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19. Từ 17/2, Thụy Sĩ sẽ chỉ duy trì quy định cách ly 5 ngày đối với người dương tính virus SARS-CoV-2 và đeo khẩu trang trong phương tiện công cộng, các cơ sở y tế. Về phần Áo, nước này dự kiến loại bỏ các hạn chế từ 5/3 nhưng vẫn duy trì đeo khẩu trang trong phương tiện công cộng, bệnh viện và một số địa điểm.

Động thái của Áo, Thụy Sĩ được cho đi theo con đường của Anh, Đan Mạch và Na Uy, những nước gần đâu đều nới lỏng hầu hết mọi hạn chế dịch COVID-19.

Đức là quốc gia ghi nhận làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra chậm hơn vài tuần so với nhiều nước châu Âu khác nhưng Thủ tướng Olaf Scholz vào ngày 16/2 đã tham vấn với lãnh đạo 16 tiểu bang về lộ trình ngừng các hạn chế dịch COVID-19 khi những con số chính thức cho thấy số ca mắc mới bắt đầu giảm dần.

Ông Timothy Sly tại Đại học Toronto (Canada) cho rằng việc nới lỏng các hạn chế khi số ca mắc mới giảm là có thể xảy ra nhưng cần không để virus lây lan không kiểm soát, dẫn đến quá tải các bệnh viện. Ông đề xuất: “Việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch cần phải thực hiện chậm rãi và cẩn trọng, theo dõi các chỉ số ở bệnh viện, khu chăm sóc tích cực và lượng virus trong nước thải”.
 

Hà Linh/Báo Tin tức
Nguy cơ thảm họa hạt nhân ở Ukraine khi xung đột bùng phát
Nguy cơ thảm họa hạt nhân ở Ukraine khi xung đột bùng phát

15 lò phản ứng hạt nhân của Ukraine có thể là mối nguy hiểm huỷ diệt nếu xung đột xảy ra tại nơi mà bài học thảm hoạ Chernobyl vẫn còn hiện hữu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN