Thế giới tuần qua: Chênh vênh Thượng đỉnh Mỹ-Triều; phương Tây đổ trách nhiệm cho Nga vụ bắn rơi MH17

Số phận của hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều tại Singapore vào ngày 12/6 tới và kết luận “thủ phạm” bắn rơi chiếc máy bay MH17 là hai sự kiện đáng chú ý trong tuần qua.

Khói bốc lên sau khi đường hầm số 4 của bãi thử hạt nhân Punggye-ri, Triều Tiên, bị phá hủy ngày 24/5. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Mỹ - Triều đang chơi nước cờ của mình

Dư luận thế giới đang dồn mọi sự chú ý về số phận sắp tới của hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến tổ chức tại Singapore vào ngày 12/6 sau những phát ngôn đầy bất ngờ từ cả hai bên.

Trong tuyên bố mới nhất của mình vào tối 25/5, một ngày sau thông báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Trump cho rằng cuộc gặp này vẫn có khả năng diễn ra vào ngày 12/6 theo như kế hoạch ban đầu, hoặc “có thể muộn hơn so với thời điểm đó nếu cần thiết".

Trong dòng tin đăng trên tài khoản cá nhân Twitter, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ đang có "những cuộc đối thoại rất hiệu quả" với Bình Nhưỡng về việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh.

Trước đó một ngày, Tổng thống Trump công bố bức thử gửi tới người đồng cấp Triều Tiên tuyên bố hủy họp, với lý do "dựa trên thái độ tức giận khủng khiếp cùng thái độ thù địch công khai" trong những phát biểu gần đây của nhà lãnh đạo Kim Jong-un dành cho Phó Tổng thống Mike Pence.

Trái ngược với dự đoán Triều Tiên có thể sẽ nổi giận với quyết định của Mỹ, thì phía Bình Nhưỡng lại tỏ ra khá kiềm chế trong việc phản ứng.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 25/5 dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan nói rằng Bình Nhưỡng vẫn sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Mỹ bất cứ khi nào “theo bất cứ thể thức nào".

Ngay lập tức, Tổng thống Trump đã bày tỏ sự hài lòng trước việc Triều Tiên tuyên bố vẫn để ngỏ đối thoại: "Thực sự là tin tốt đẹp khi nhận được tuyên bố nồng ấm và mang tính xây dựng từ phía Triều Tiên. Chúng ta sẽ sớm thấy liệu điều này sẽ dẫn tới đâu, hy vọng dẫn tới một tương lai hòa bình, thịnh vượng lâu dài và vững bền”.

Quyết định hủy hội nghị thượng đỉnh của ông Trump được đưa ra cùng ngày Triều Tiên cho tiến hành phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri – động thái mà nước này cho rằng là tiến trình quan trọng hướng tới phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên.

Kết quả của hoạt động dỡ bỏ này là toàn bộ đường hầm và lối vào đường hầm đã bị đánh sập, một số trạm gác và trạm quan sát ở bãi thử cũng bị cho nổ trước sự chứng kiến của hơn 20 phóng viên quốc tế đến từ 5 nước Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Nga được Triều Tiên mời dự.

Viện Vũ khí hạt nhân (NWI) của Triều Tiên khẳng định không có rò rỉ phóng xạ hạt nhân sau khi thực hiện các vụ nổ phá hủy bãi thử.

Punggye-ri là bãi thử hạt nhân duy nhất của Triều Tiên, nơi nước này đã tiến hành 6 lần thử nghiệm hạt nhân, trong đó vụ thử nghiệm cuối cùng được Triều Tiên tuyên bố là bom nhiệt hạch.

Mặc dù giới chuyên gia có quan điểm khác nhau về việc Triều Tiên phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nhưng họ cũng phải thừa nhận sự kiện này được tiến hành vô điều kiện đã cho thấy Bình Nhưỡng muốn thay đổi một cách nghiêm túc.

Nga bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm vụ bắn rơi máy bay MH17

Một phần của quả tên lửa BUK-TELAR được cho là đã bắn hạ máy bay MH-17 trưng bày tại cuộc họp báo của JIT ở Bunnik, Hà Lan ngày 24/5. Ảnh: AFP/TTXVN.

Trong buổi công bố kết quả điều tra trước báo giới tại Hà Lan ngày 24/5, các nhà điều tra thuộc Nhóm Điều tra hỗn hợp (JIT) bao gồm đại diện Hà Lan, Australia, Malaysia, Bỉ và Ukraine, lần đầu tiên xác định tên lửa bắn rơi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) hồi tháng 7/2014 thuộc về lữ đoàn phòng không số 53 của quân đội Nga đóng ở khu vực Kursk (thuộc Nga).

Ngay lập tức, phía Nga đã có những phản bác mạnh mẽ. Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày khẳng định quân đội nước này không liên quan đến vụ rơi máy bay MH17 và nhấn mạnh không có bất cứ tổ hợp tên lửa nào của nước này được đưa qua biên giới Nga-Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã cung cấp đầy đủ bằng chứng cho đội điều tra để chứng minh tên lửa Buk của quân đội Ukraine mới là “thủ phạm” gây ra thảm kịch.

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng Nga không phải một bên tham gia chính thức trong cuộc điều tra của Hà Lan, do đó Moskva không thể tin tưởng các kết quả thu được từ cuộc điều tra.

Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF-2018) lần thứ 22 đang diễn ra ngày 25/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định tên lửa bắn rơi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 không phải của Nga cũng như cho rằng không thể tin hoàn toàn vào kết luận của Hà Lan.

Ngày 17/7/2014, chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 đang trên đường từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia) chở theo 298 hành khách và phi hành đoàn đã bị bắn rơi trên bầu trời miền Đông Ukraine.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Người dân Singapore chưng hửng khi thượng đỉnh Mỹ-Triều bị hủy
Người dân Singapore chưng hửng khi thượng đỉnh Mỹ-Triều bị hủy

Thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên giống như "một gáo nước lạnh” dội xuống người dân Singapore, đặc biệt là đội ngũ cảnh sát và nhân viên ngành khách sạn vốn đang tích cực chuẩn bị cho sự kiện lịch sử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN