Thế giới "nóng" lên vì... nước

Hơn 800 triệu người trên thế giới không thể tiếp cận nguồn nước sạch, và 15% các quốc gia trên thế giới phải phụ thuộc 50% nhu cầu nước sử dụng từ các nước láng giềng. Tất cả các vấn đề liên quan đến nước, gồm vệ sinh y tế, môi trường và chính sách… đều là trọng tâm của Diễn đàn thế giới về nước lần thứ 6 đang diễn ra tại Marseille (Pháp).

Tham dự diễn đàn có khoảng 20.000 đại biểu, trong đó có hàng chục nguyên thủ quốc gia, chính phủ trên thế giới cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso và khoảng 60 bộ trưởng. Ngoài diễn đàn chính thức bị cho là "mang tiếng nói của các tập đoàn đa quốc gia và Ngân hàng Thế giới (WB)", hàng trăm tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng tổ chức các diễn đàn hẹp với những chủ đề riêng.

Nhiều người dân châu Phi đang phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Internet


Tiếp cận nguồn nước và lành mạnh hóa nguồn nước từ lâu đã được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận là một quyền con người. Nhưng việc chia sẻ nguồn tài nguyên chiến lược này, vì động chạm đến chủ quyền của nhiều quốc gia, đã gây ra những căng thẳng tiềm tàng tại các khu vực, chẳng hạn ở Cận Đông, Trung Á, châu thổ sông Mê Công và sông Nil, Mỹ Latinh (giữa Braxin và Áchentina cũng như giữa Mỹ và Canađa). Đối với các chuyên gia, những căng thẳng gắn liền với nguồn nước hoàn toàn có nguy cơ gia tăng trong tương lai nếu như nhân tố này không được tính đến trong các chính sách phát triển của từng khu vực.

Nước được ví như "cái gương" của Trái đất thời đại toàn cầu hóa, phản chiếu những quan hệ phụ thuộc lẫn nhau cũng như những bất bình đẳng giữa các quốc gia. L.Fauchon, Chủ tịch Hội đồng Thế giới về nước, một trong những nhà tổ chức Diễn đàn Marseille, nói: "Nếu vấn đề không được giải quyết thấu đáo, nước không chỉ dẫn đến những nguy cơ xuyên biên giới mà còn gây ra những vấn đề ngay trong nội bộ quốc gia".

Tháng 1/2012, báo cáo "Địa chính trị về nước" của Jean Glavany, một nghị sĩ Pháp, đã gây nhiều tranh cãi khi cho rằng Ixraen, bằng quyền kiểm soát các nguồn nước của mình, đã tạo ra một "chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mới" đối với người Palextin. Thời sự quốc tế thỉnh thoảng cũng nóng lên với châu thổ sông Nil, khu vực tiềm tàng nguy cơ xảy ra chiến tranh về nguồn nước của châu Phi. Tình trạng chung tại các khu vực có tranh chấp nguồn nước là thiếu công cụ giải quyết xung đột. Hội nghị quốc tế năm 1997 đã dự kiến đưa ra các cơ chế trọng tài áp dụng cho các trường hợp xảy ra khủng hoảng, nhưng đến nay chỉ có 24 nước phê chuẩn. Các nước khác, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Braxin, Thổ Nhĩ Kỳ, đều cho rằng một hiệp ước như vậy nếu được áp dụng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề chủ quyền của họ.
Tại châu Âu, các lưu vực lớn (như sông Rhine, sông Danube…) đều là đối tượng chịu sự quản lý cấp vùng và là vấn đề xuyên biên giới. Pháp là nước đi đầu trong việc tìm cách thúc đẩy khái niệm "lưu vực sườn dốc", một khái niệm ưu tiên sự đồng thuận giữa tất cả các nhân tố liên quan đến nguồn nước, từ người tiêu thụ cho đến các nhà công nghiệp. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là một "mô hình" đã được xuất khẩu thành công sang Tây Phi.

Các nhà tổ chức Diễn đàn thế giới về nước lần thứ 6 cho rằng, các đại biểu tham dự diễn đàn lần này không thể giải quyết được mọi vấn đề, nhưng vẫn có thể hy vọng các cuộc đối thoại và tranh luận sẽ tạo tiền đề cho việc xây dựng và áp dụng một cơ chế quản lý nguồn nước một cách hợp lý nhất. Vấn đề này cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị "Rio+20" vào tháng 6 tới tại Braxin.

Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Pháp)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN