Theo WMO, năm 2024 được dự báo là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu đỉnh điểm của một thập kỷ nóng chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng lên mức kỷ lục, khiến tình trạng nóng lên toàn cầu trở nên khó kiểm soát. WMO cho biết biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng rõ nét, thể hiện qua tần suất và mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Tổng Thư ký WMO, bà Celeste Saulo đã nhắc lại những thảm họa thiên tai gây tổn thất nặng nề về người tại nhiều quốc gia trong năm qua. Mới đây nhất là cơn bão nhiệt đới gây thiệt hại nặng nề tại Mayotte – một vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Ấn Độ Dương. Nhiệt độ khắc nghiệt, nhiều lần vượt ngưỡng 50 độ C, thiêu đốt hàng chục quốc gia, các đám cháy rừng lan rộng, tàn phá cả một vùng rộng lớn.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đặt mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, hoặc tốt nhất là ở mức 1,5 độ C. Tuy nhiên, các số liệu mới nhất từ WMO cho thấy mục tiêu này đang ngày càng xa vời.
Theo báo cáo vào tháng 11, nhiệt độ trung bình bề mặt không khí trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/2024 đã cao hơn 1,54 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Con số này vượt qua mức kỷ lục 1,45 độ C của năm 2023, cho thấy 2024 sẽ trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.
WMO dự kiến công bố số liệu nhiệt độ toàn cầu đầy đủ vào tháng 1/2025, và một báo cáo toàn diện về tình trạng khí hậu toàn cầu sẽ được phát hành vào tháng 3.
Trong thông điệp Năm mới, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng thế giới đang đối mặt với sự đổ vỡ khí hậu ngay trước mắt. Ông nói: “Hôm nay, tôi có thể chính thức báo cáo rằng chúng ta vừa trải qua một thập kỷ nắng nóng đầy chết chóc. 10 năm nóng nhất từng ghi nhận đều xảy ra trong thập kỷ vừa qua, trong đó có cả năm 2024.”. Ông Guterres kêu gọi các quốc gia hành động ngay lập tức nhằm cắt giảm mạnh lượng khí thải và thúc đẩy chuyển đổi sang một tương lai sử dụng năng lượng tái tạo.