Thế giới ghi nhận 470,2 triệu ca mắc, trên 6 triệu ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 thế giới đã ghi nhận tổng cộng 470.217.763 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 6 triệu ca tử vong.

Hiện còn 62.072 ca điều trị tích cực trong khi hơn 400 triệu ca đã bình phục. Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện ghi nhận hơn 169,9 triệu ca mắc và hơn 1,7 triệu ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với hơn 132,2 triệu ca mắc và hơn 1,3 triệu ca tử vong. Các con số tương tự của khu vực Bắc Mỹ là hơn 96 triệu ca mắc, trong đó có 1,4 triệu ca tử vong, và ở Nam Mỹ là hơn 55,6 triệu ca và hơn 1,2 triệu ca.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Bochum, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Với hơn 81 triệu ca mắc và 997.845 ca tử vong, Mỹ là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới vì dịch COVID-19. Nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết tỷ lệ người trưởng thành gốc Phi tại nước này nhập viện do dại dịch COVID-19 cao gấp gần 4 lần so với người da trắng trong thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 hồi mùa Đông vừa qua.

Theo CDC, tỷ lệ nhập viện của người gốc Phi là tỷ lệ cao nhất trong số bất kỳ nhóm chủng tộc và sắc tộc nào trong thời kỳ đại dịch COVID-19. CDC cũng lưu ý trong nghiên cứu của mình việc loại bỏ các rào cản đối với việc tiếp cận tiêm chủng ở những người có tỷ lệ nhập viện cao hơn do COVID-19, bao gồm cả người gốc Phi như một ưu tiên y tế công cộng cấp bách.

Ấn Độ đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm, với hơn 43 triệu ca, gần bằng một nửa của Mỹ. Trong khi đó, Brazil đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong, với 657.157 ca, nhiều hơn Ấn Độ hơn 100.000 ca.

"Deltacron" và "Omicron tàng hình" là 2 biến thể phụ mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang nổi lên và gây nhiều lo ngại. Tờ Independent (Anh) cho biết con số toàn cầu về số ca nhiễm Deltacron vẫn chưa được làm rõ. Bước đầu mới xác định khoảng 30 ca tại Anh, khoảng 20 ca tại Mỹ, một số ca tại Pháp (nơi lần đầu phát hiện biến thể phụ này) cũng như tại Hà Lan và Đan Mạch. Với Omicron tàng hình, con số rõ ràng hơn.

Tại Anh, biến thể phụ này chiếm tới 57% trong 27.000 ca mới ghi nhận ở tuần cuối của tháng 2. Tại Mỹ, Omicron tàng hình chiếm khoảng 23,1% tổng số ca. Làn sóng dịch tại Trung Quốc đại lục, Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc được cho là do cả Omicron lẫn Omicron tàng hình. Những hy vọng rằng đại dịch COVID-19 đang đến hồi kết đã bị dội một gáo nước lạnh với những thống kê mới nhất.

Số ca mắc mới tại Anh tiếp tục tăng. Trung Quốc phải chứng kiến làn sóng dịch mới nghiêm trọng. Hàn Quốc ghi nhận số ca mới cao kỷ lục. Châu Phi có số ca mới tăng tới 14%. Những biến thể phụ mới xuất hiện như Omicron tàng hình bị cho là yếu tố thúc đẩy tình trạng trên.

Ngày 20/3, Trung Quốc đã phong tỏa thêm một thành phố 4,5 triệu dân do dịch lây lan. Cụ thể, lệnh ở trong nhà đã được ban bố đối với hàng triệu người dân ở thành phố Cát Lâm (Đông Bắc nước này) trong nỗ lực ứng phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn nhất trong 2 năm qua. Lệnh trên sẽ có hiệu lực trong 3 ngày từ đêm 20/3.

Trong ngày 20/3, hơn 4.000 ca mắc mới đã được ghi nhận trên cả nước, trong đó 2/3 là ở tỉnh Cát Lâm, giáp ranh với Nga và Triều Tiên. Thủ phủ tỉnh này, thành phố Trường Xuân ngày 19/3 cũng đã thông báo siết chặt các biện pháp hạn chế trong 3 ngày. Từ 11/3, 9 triệu dân của Trường Xuân chỉ được phép ra ngoài 2 ngày/lần để mua lương thực. Các biện pháp mới chỉ cho phép nhân viên y tế và nhân viên phòng dịch rời khỏi nhà.

Tuy nhiên, hòa vào xu thế sống chung an toàn với đại dịch, Algeria và Tanzania đã nới lỏng các điều kiện nhập cảnh kể từ ngày 20/3. Cụ thể, hành khách chỉ cần xuất trình thẻ chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 (tiêm đủ 2 liều) chưa quá 9 tháng là có thể nhập cảnh Algeria. Yêu cầu xét nghiệm tại sân bay cũng được bãi bỏ. Đây được xem là điều kiện thuận lợi nhất kể từ khi nước này áp dụng các biện pháp ngăn chặn đại dịch kể từ tháng 3/2020 đến nay. Theo tuyên bố của Thủ tướng Aïmene Benabderrahmane, các biện pháp nới lỏng này được áp dụng cho cả đường hàng không, đường bộ và đường biển trên toàn lãnh thổ Algeria. Tuy nhiên, nếu hành khách chưa tiêm vaccine phải cung cấp xét nghiệm RT-PCR âm tính không quá 72 giờ trước khi khởi hành.

Tương tự, giới chức Y tế Tanzania cũng đã công bố hướng dẫn đi lại mới, trong đó hành khách đã tiêm vaccine đầy đủ, trong đó có cả người Tanzania, sẽ được miễn xét nghiệm COVID-19 khi nhập cảnh. Hành khách sẽ chỉ phải trình chứng nhận tiêm phòng có mã QR xác nhận khi đến nhập cảnh. Hướng dẫn mới có hiệu lực từ ngày 17/3, áp dụng với hành khách đã được tiêm những loại vaccine mà Chính phủ Tanzania và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép.

Những người chưa tiêm đủ hoặc không đủ điều kiện tiêm phòng phải có chứng nhận xét nghiệm PCR hoặc acid nucelic âm tính có mã QR xác nhận trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Nhóm này nếu không có kết quả xét nghiệm thì khi nhập cảnh sẽ phải thực hiện xét nghiệm PCR tự trả phí (100 USD) và tự cách ly đợi kết quả. Hành khách trung chuyển qua Tanzania không phải đáp ứng những điều kiện này trừ khi có yêu cầu đặc biệt.

Về phần mình, Malaysia cũng chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại biên giới an toàn từ ngày 1/4 tới bằng việc khuyến nghị du khách trước khi nhập cảnh cần thực hiện 3 quy định tránh cảnh ùn tắc tại các cửa khẩu quốc tế. Thứ nhất, du khách nhập cảnh phải tải ứng dụng MySejahtera xuống điện thoại di động; Thứ hai, tải kết quả xét nghiệm RT-PCR trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành và điền vào các tờ khai trước khi nhập cảnh. Sau khi hoàn thiện những tờ khai này, du khách sẽ nhận được “Thẻ du lịch” trên ứng dụng MySejahtera và có thể lên máy bay. Theo Bộ trưởng Khairy, với 2 biện pháp bắt buộc như trên, du khách sẽ làm tiết kiệm thời gian làm thủ tục nhập cảnh từ 30-45 phút so với 60 phút so với trước đây.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, ngày 20/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 20/3, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết đã có những tiến bộ tích cực trong việc phát triển các vaccine đơn trị và đa trị chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Những nghiên cứu tiền lâm sàng với một số loại vaccine trên đã hoàn tất và đang trong tiến trình đăng ký để thử nghiệm lâm sàng. Theo NHC, nghiên cứu cho thấy biến thể Omicron không hoàn toàn né tránh được các vaccine hiện nay. Vaccine vẫn hiệu quả trong giảm nguy cơ nhập viện, bệnh trở nặng hay tử vong do biến thể Omicron gây ra. Mũi tiêm tăng cường cũng hiệu quả trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm đột phá bởi biến thể Omicron.

Bích Liên (TTXVN)
Thế giới tuần qua: Số ca mắc mới COVID-19 tăng tại Á-Âu; động đất mạnh ở Nhật Bản
Thế giới tuần qua: Số ca mắc mới COVID-19 tăng tại Á-Âu; động đất mạnh ở Nhật Bản

Số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh tại nhiều quốc gia châu Âu, châu Á và trận động đất có độ lớn 7,4 xảy ra tại Nhật Bản là những vấn đề được dư luận thế giới quan tâm trong tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN