Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Margaret Harris, đã tuyên bố đại dịch COVID-19 còn tiếp tục kéo dài, viện dẫn số ca mắc mới COVID-19 tăng trong dữ liệu thống kê hằng tuần mới nhất. Theo WHO, sau hơn một tháng ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 giảm, con số này lại gia tăng trên khắp thế giới trong tuần từ ngày 7 - 13/3, trong đó một số nước châu Á đang phải áp đặt biện pháp phong tỏa để khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Khảo sát tại Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, với 81.350.883 ca mắc, trong đó có 996.072 ca tử vong, cho thấy đa số người tham gia cho rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, mức độ lo lắng của người Mỹ về COVID-19 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm qua, kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát vào mùa Xuân năm 2020. Cụ thể, trong cuộc khảo sát thực hiện từ ngày 8 - 11/3 đối với trên 2.000 người trưởng thành ở Mỹ, hơn 70% cho biết họ cảm thấy thoải mái hơn khi được phép ra khỏi nhà và đi làm trở lại. Tỷ lệ này tăng đáng kể so với mức 57% trong cuộc khảo sát cách đây một năm.
Theo CBS News, nhìn chung người Mỹ hiện có cái nhìn lạc quan hơn về đại dịch COVID-19. Hầu hết cho rằng vẫn cần đẩy mạnh tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 do có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2, dù các biến thể này có thể ít nguy hiểm hơn. Đáng chú ý, rất ít người Mỹ tin rằng virus sẽ biến mất hoàn toàn trong năm tới.
Trong khi đó, khảo sát do công ty tư vấn quốc tế Ipsos tiến hành đối với trên 20.500 người từ 30 quốc gia cũng cho thấy mặc dù người dân nhận định tiêu cực về tương lai, nhưng mọi người đã nhận thức việc sống chung với virus SARS-CoV-2 là tất yếu và cần làm quen với điều này.
Hiện số ca mắc mới COVID-19 vẫn gia tăng, do sự lây lan của biến thể Omicron và các dòng phụ, song số nước dỡ bỏ các hạn chế phòng, dịch đang ngày một nhiều lên.
Bộ Ngoại giao Lào đã ban hành hướng dẫn mới về quy trình xuất, nhập cảnh, theo đó tiếp tục nới lỏng nhiều quy định đối với người nước ngoài. Theo hướng dẫn mới, người nước ngoài, người không có quốc tịch nhưng có thị thực xuất-nhập cảnh nhiều lần và người có thẻ tạm trú tại Lào vẫn còn thời hạn sẽ không phải xin phép nhập cảnh từ Lãnh sự quán hoặc Đại sứ quán Lào ở nước ngoài, hoặc từ Bộ Ngoại giao Lào như trước. Khi nhập cảnh Lào, mọi cá nhân phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ trước thời điểm đến và có đầy đủ giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều cơ bản vaccine phòng COVID-19, đồng thời phải được lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR và cách ly để đợi kết quả trong ít nhất 48 giờ tại địa điểm do Ủy ban Phòng chống COVID-19 quy định, nếu âm tính có thể được phép về cách ly theo dõi tại nhà. Đối với khách du lịch, việc nhập cảnh vẫn sẽ thực hiện theo chương trình Vùng xanh du lịch đã được triển khai từ đầu năm 2022.
Trong khi đó, số ca mắc mới tại Lào đã lần đầu tiên quay trở lại mức 4 chữ số sau 2 tháng. Cụ thể, nước này đã ghi nhận thêm 1.508 ca mắc mới COVID-19 trong ngày, tăng 674 ca so với ngày trước đó.
Thái Lan cũng đã quyết định yêu cầu du khách phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi đến nước này, nhưng vẫn duy trì yêu cầu xét nghiệm COVID-19 sau khi nhập cảnh. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 1/4 tới.
Nhà chức trách Thái Lan cho biết việc chấm dứt yêu cầu xét nghiệm trước khi đến sẽ áp dụng với tất cả du khách đến Thái Lan theo các chương trình “Test & Go” (Xét nghiệm và Lên đường), “Sandbox” (Hộp cát) hoặc Cách ly. Những người nhập cảnh Thái Lan thông qua các chương trình “Test & Go” hoặc Sandbox sẽ được làm xét nghiệm RT-PCR khi đến và được yêu cầu tự làm xét nghiệm kháng nguyên vào ngày thứ 5 sau khi nhập cảnh. Du khách đến theo chương trình cách ly sẽ thực hiện cách ly trong 5 ngày và được xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 4 hoặc ngày thứ 5 sau khi đến. CCSA sẽ tiếp tục yêu cầu du khách phải có bảo hiểm với hạn mức chi trả điều trị COVID-19 ít nhất là 20.000 USD, nhưng có khả năng sẽ giảm hạn mức sau đó.
Trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp đặt ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của các tiểu thương, Hàn Quốc đã quyết định nới lỏng hơn nữa các quy định giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19 trong 2 tuần tới.
Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết hướng dẫn về giãn cách xã hội mới được điều chỉnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 21/3 đến ngày 3/4, đồng thời dự báo dịch bệnh có thể đạt đỉnh trong tuần này hoặc muộn nhất là vào tuần tới. Theo hướng dẫn mới áp dụng trên toàn quốc, số người tối đa được phép tham gia trong các buổi tụ họp cá nhân được điều chỉnh tăng từ 6 lên 8 người, tuy nhiên thời gian giới nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh vẫn sẽ được giữ nguyên. Theo đó, nhà hàng, quán cà phê, cơ sở thể thao trong nhà, quán karaoke, quán bar và câu lạc bộ đêm sẽ chỉ được phép mở cửa đến 23h. Các sự kiện thể thao, lễ hội và hòa nhạc chỉ được phép tập trung dưới 300 người, trong khi số lượng người tối đa được phép tham gia các hoạt động tôn giáo không quá 70% sức chứa tại các cơ sở tổ chức.
Hàn Quốc đang chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron với khả năng lây lan nhanh chóng. Trong ngày 18/3, nước này ghi nhận 407.017 ca mắc mới và 301 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lần lượt lên 8.657.609 và 11.782. Trước đó một ngày, Hàn Quốc đã báo cáo số ca mắc mới kỷ lục 621.328 ca.
Chính quyền thành phố Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông (miền Nam Trung Quốc) đã nới lỏng một phần các biện pháp phong tỏa, sau khi Chủ tịch nước này Tập Cận Bình nhấn mạnh tới sự cần thiết phải “giảm thiểu tối đa tác động” của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế.
Với 17,5 triệu dân và là trung tâm công nghệ của Trung Quốc, thành phố Thâm Quyến đã bị phong tỏa hoàn toàn từ ngày 13/3. Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất, hoạt động tại các công sở, nhà máy và giao thông công cộng tại 4 quận và 1 đặc khu kinh tế của thành phố đã được nối lại. Đây là những địa điểm được đánh giá đã đạt mục tiêu "Không COVID" trong cộng đồng.Trong bối cảnh biến thể Omicron bùng phát, trong ngày 18/3, Trung Quốc đã ghi nhận 4.365 ca mắc mới. Hiện nước này đang trải qua làn sóng dịch nghiêm trọng nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Trong khi đó, Ấn Độ đã yêu cầu các bang tăng cường theo dõi tình hình dịch COVID-19 và thận trọng trước sự gia tăng các ca bệnh mới ở Đông Nam Á cũng như một số quốc gia châu Âu. Bộ Y tế nước này cho rằng cần tiếp tục tập trung vào chiến lược 5 mục tiêu gồm xét nghiệm, theo dõi, điều trị, tiêm phòng và tuân thủ các quy định phòng dịch COVID-19.